Bằng mọi giá không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong

Cuối giờ chiều 21-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An để triển khai công tác phòng chống dịch.

Cuộc họp nhằm trao đổi, đánh giá tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp đã triển khai thời gian qua. Theo nhận định, dịch tại TP.HCM và các địa phương phía Nam sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca bệnh sẽ gia tăng, đặc biệt có thể xuất hiện bệnh nhân nặng.

Chính vì vậy, các chuyên gia khẳng định song song việc giảm số ca mắc thì việc giảm tỷ lệ tử vong cũng phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Nhiều giải pháp được triển khai để tránh quá tải cho hệ thống y tế, hạn chế tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để giảm tải hệ thống y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng bộ phận phía Nam thống nhất chỉ đạo phân loại các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm; trường hợp bệnh nhân và bệnh nhân nặng.

Cụ thể, đối với trường hợp nghi nhiễm, khi xét nghiệm bằng test nhanh dương tính thì được quản lý tại nhà hoặc vùng đệm – cơ sở cách ly tạm thời dựa vào cộng đồng do chính quyền địa phương thiết lập dựa vào cộng đồng

Khi xét nghiệm bằng PCR cho kết quả dương tính, nếu nồng độ virus ở mức độ thấp (CT> 30), bệnh nhân được quản lý và theo dõi y tế tại nhà.

Đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bệnh nhân sẽ chuyển vào cơ sở quản lý, chăm sóc người nhiễm COVID-19 ban đầu. Cơ sở này được hình thành từ các khu ký túc xá, nơi lưu trú, bệnh viện dã chiến… mức độ ban đầu

Bệnh nhân nếu có triệu chứng tiến triển sẽ được theo dõi điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương.

Đối với bệnh nhân có tiến triển nặng, nặng hoặc nguy kịch thì đưa ngay đến các cơ sở điều trị có khu hồi sức tích cực hoặc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP.HCM.

“Việc hình thành các tầng điều trị sẽ giúp cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải để điều trị bệnh nhân nặng tốt hơn. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân ra viện, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nặng”- ông Long nói.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế gửi lời động viên, đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng cán bộ do Bộ Y tế cử đi làm nhiệm vụ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong những ngày qua  cùng các địa phương triển khai phòng chống dịch.

Cũng trong hôm nay, Bộ Y tế gửi văn bản tới  Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo sẵn sàng thu dung, điều trị COVID-19 khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu…

Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng.

Cùng với đó, lắp bổ sung đủ hệ thống cấp oxy, có sẵn sàng các bồn chứa ô xy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này; chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực, danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm