“Em là người khuyết tật. Có một số anh chị từng phỏng vấn em, nhưng có không ít bài viết diễn đạt bi đát hóa hoàn cảnh của em khiến nhiều lúc đọc lại em thấy sốc, em đâu có chia sẻ như vậy. Xin đừng khiến chúng em trở nên quá đáng thương…”, Nguyễn Thị Thanh Hoa (cựu sinh viên ĐH Sư phạm TP HCM), hiện đang là cộng tác viên tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (gọi tắt DRD) chia sẻ mở đầu buổi Hội thảo bình đẳng và hòa nhập cho người khuyết tật.
Từ bi kich hóa số phận…
Hoa bị khuyết tật ở chân ngay từ khi còn nhỏ do cơn sốt viêm não Nhật Bản gây ra. Nhưng không vì thế mà cô bạn đầu hàng số phận. Hoa vẫn nỗ lực vươn lên, học giỏi và đạt nhiều thành tích khiến bạn bè mơ ước như: Giải Nhì Cuộc Thi Nét Bút Tri Ân Lần 1 với tác phẩm “Ông bụt của đời con”, Giải khuyến Khích Viết Trung Thu gợi nhớ tình thân, Giải Ba Viết “Người Thầy Trong tôi”, là một trong 39 Gương mặt khuyết tật tiêu biểu của TP HCM đầu tiên tham gia dự án nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật…Đó là lý do cô bạn được nhiều phóng viên yêu mến và muốn giới thiệu tới bạn đọc.
Điều đáng nói, có những nội dung Hoa trả lời một đằng, anh chị phóng viên lại viết một nẻo hoặc “thêm mắm dặm muối” để cuộc đời em bi đát hơn . Em tâm sự: “Trò chuyện với phóng viên em chỉ kể, hồi nhỏ em có mặc cảm với bạn bè chút nên ít khi tham gia trò chơi cùng mọi người. Nhưng khi lên báo các anh chị lại viết rất thảm như: cứ đến giờ ra chơi em chỉ ngồi một chỗ vì bạn bè khinh thường, không ai thèm chơi. Những điều như vậy là không có thật. Em thấy buồn khi đọc những bài viết đó. Nhưng quan trọng hơn, bạn bè của em rất tốt, chỉ là do em mặc cảm thôi. Bài báo lên bao nhiêu người đọc, bạn bè em đọc được sẽ nghĩ như thế nào? Thậm chí có anh chị chưa từng phỏng vấn em nhưng lại nêm nếm thêm, xào thêm. Em cảm thấy không được tôn trọng lắm”.
Hay một nhân vật xin dấu tên chia sẻ: vì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại không may bị khuyết tật ở tay, thương con ham học nên bố mẹ bạn đã nhờ người cô nuôi bạn suốt những năm đại học. Nhà báo thay vì ghi đầy đủ thông tin lại “quên” nội dung sự giúp đỡ của người cô, chỉ tập trung nói về bệnh tật hành hạ và gia cảnh khốn khó của cậu học trò nghèo…
Đến anh hùng hóa cuộc đời
Bi kịch hóa cuộc đời chưa đủ, không ít nhà báo lại “tô hồng” để anh hùng hóa nhân vật khuyết tật trong bài viết của mình. Một câu chuyện dở khóc dở cười được chị Huỳnh Kim Phụng (nhân viên tại DRD) chia sẻ lại. Đó là lần chị nghe các em và bạn bè trong trung tâm ca ngợi về một tấm gương “khuyết tật phi thường”: cậu bé bị bệnh thiểu năng trí tuệ nhưng đang đi học Đại học, Tin học, Tiếng Anh rất giỏi, đạt nhiều giải thưởng cao. Vì quá tò mò và hâm mộ chị đã lên mạng tìm đọc. Song đến lúc nhìn thấy hình ảnh và tên nhân vật chị mới té ngửa: “Ủa, bài báo là viết về nhóc M hả?”. Hỏi ra mới biết, chị Phụng biết khá rõ về M. “Đó là một cậu bé khá, hòa nhập tốt nhưng để được như báo viết thì không”, chị Phụng khẳng định.
Anh Nguyễn Thanh Tùng cũng từng rơi vào trường hợp tương tự. Anh là người khuyết tật nặng, việc đi lại rất khó khăn. Nhưng có nhà báo khi viết bài đã “thay Tùng” khẳng định rằng: để có thể trang trải cuộc sống, Tùng phải đi phục vụ nhà hàng (!). Tùng tâm sự: “Khi đọc bài báo đó, mình vừa buồn cười mà vừa không thích. Bản thân mình như này làm sao mà đi phục vụ nhà hàng được. Ngoài ra khi người thân, bạn bè của mình đọc bài đó sẽ rất lo lắng. Người tiếp xúc với mình, thấy mình không “phi thường” như trong bài viết sẽ thất vọng. Họ sẽ không nghĩ nhà báo viết quá lên mà sẽ nghĩ mình “nổ” để lấy lòng thương hại của mọi người”.
Bình đẳng và hòa nhập cho người khuyết tật
Việc “khóc mướn” của báo chí đã tồn tại từ lâu. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: câu view, tạo sự tò mò, tất nhiên không thể phủ nhận mong muốn tạo nên sự đồng cảm trong người đọc và mong muốn kêu gọi sự giúp đỡ của các Mạnh thường quân qua những bài viết.
Tuy nhiên trao đổi với Pháp Luật TP HCM, bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển chia sẻ rằng việc bi kịch hóa hay anh hùng hóa cuộc đời nhân vật khuyết tật sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, bản thân người khuyết tật trung thực, sẽ cảm thấy xấu hổ “vì đó đâu phải câu chuyện của mình, mình đâu làm được như vậy”. Bên cạnh đó, những người đã từng tiếp xúc và có hiểu biết về nhân vật trong bài sẽ có suy nghĩ ác cảm vì cho rằng những người khuyết tật đó đang nói quá về bản thân để kêu gọi lòng thương hại, “nổ quá”, “giành công của người khác”…
“Tôi hi vọng rằng các nhà báo sẽ nói về người khuyết tật một cách trung thực. Điều quan trọng, cần làm rõ nguồn gốc vấn đề: người khuyết tật không thể đóng góp cho cộng đồng không phải là do những khiếm khuyết trên cơ thể họ mà bởi xã hội chưa tạo điều kiện để những người khuyết tật phát triển hết năng lực của mình. Đơn giản như nhà vệ sinh có kí hiệu dành cho người khuyết tật nhưng thực tế bánh xe lăn không vào được, người khuyết tật không thể sử dụng được…”.
Hội thảo bình đẳng và hòa nhập cho người khuyết tật diễn ra tại thành phố Đà Lạt do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển phối hợp cùng Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) tổ chức. Mục đích của hội thảo là hỗ trợ phóng viên đang công tác trong lĩnh vực truyền thông báo chí những thông tin liên quan đến người khuyết tật nhằm thay đổi cách nhìn của xã hội về nhóm đối tượng này. Qua đó, góp phần giúp đỡ thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập dễ dàng hơn vào cuộc sống và cống hiến như những thành viên khác trong xã hội. Chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày 27&28/8/2015. |