Một bà mẹ đến giao lại đứa con trai mới khỏi bệnh sau một cuộc ẩu đả. Một giáo viên đề nghị tạm đuổi 2 học sinh quậy trong lớp. Một người khác đề nghị đuổi học 3 đứa bất trị. Ông giám thị Gérard Benozio, nước da nâu và bộ mặt láu lỉnh thở dài và nói: căng thẳng bình thường.
Biếm họa của báo Bỉ
Nhưng ở các nơi khác, những chuyện nghiêm trọng hơn đã xảy ra. Ngày 8-1, một học sinh tại trường Trung học Kremlin-Bicêtre, ở phía Nam Paris bị bạn đâm chết. Ngày 24-11-2009 trong một chuyến thăm vùng ngoại ô, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tuyên bố: “Chúng ta không chấp nhận để học sinh vào lớp học bằng thanh sắt và mỏ lết. Nếu cần phải lục soát tại cổng, các thầy cô cứ lục soát”. Lưới sắt và caméra giám sát đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản. Từ tháng 10-2009, trong vùng Paris đã có các đơn vị an ninh cơ động sẵn sàng can thiệp khi có đánh nhau trong trường học. Một kế hoạch dự kiến triển khai cảnh sát bên trong và bên ngoài học đường. Một số giám thị được gởi đi học võ để đối phó với tình hình.
Tại trường Trung học Georges-Brassens ở Villeneuve-le-Roi, phía nam Paris, người ta thường xuyên nhìn thấy cảnh sát đến kiểm tra hình ảnh của 12 chiếc caméra lắp đặt khắp nơi. Theo ông giám thị Mireille Durafour, có kẻ xâm nhập trường vào ban đêm và đánh nhau liên tục trên xe bus chở học sinh. Đầu tháng 12-2009, ban giám hiệu đã báo động cho cảnh sát.
Đó là cuộc đánh nhau giữa hai băng nhóm Villeneuve-le-Roi với Orly và những băng nhóm khác nữa: Ivry với Vitry; Valenton với Villeneuve-Saint-George... Nhà trường chính là bãi chiến trường của chúng.
Thế nhưng, ông giám thị Gérard Benozio vẫn lạc quan: “Sự việc đang diễn tiến tốt đẹp. Biến trường học thành pháo đài không phải là giải pháp. An ninh trước tiên, phải từ trong nội bộ. Phải chăm sóc trò, giống như mẹ của chúng lo lắng hàng ngày. Điều đó mới làm cho không khí bạo động dịu xuống được”.
Các nhà chính trị địa phương có thể đóng vai trò ngăn chận. Tại Epinay, Ủy ban Phường tài trợ kinh phí cho những cuộc đi du ngoạn, giao lưu văn hóa để đưa học sinh ra khỏi môi trường nhà ổ chuột. Một nhóm người chuyên gỏ cửa các ngôi nhà có trẻ con trốn học để tìm hiểu nguyên nhân. Các lớp học “ cơ may lần thứ nhì” được tổ chức tại 11 địa phương trong thành phố Paris, nhằm thu nhận lại những em bị đuổi học. Ông trưởng phường Hervé Chevreau cho biết: “Hoạt động rất tốt, nhưng phải tốn tiền”. Nhưng cuộc khủng hoảnh kinh tế toàn cầu đã làm cho tiền bạc khó kiếm hơn. Không khí trong và ngoài học đường căng thẳng hơn. Tại Pháp, cuộc chiến chống bạo động học đường chỉ mới bắt đầu.
Theo Võ Huỳnh Hoa (CATP)