Sau vụ việc cô giáo ở Nhà Bè (TP.HCM) không giảng bài trong suốt gần bốn tháng lên lớp, thầy giáo ở Phú Nhuận (TP.HCM) nhục mạ học sinh (HS) và mới đây nhất là cô giáo ở Hải Phòng bắt HS uống nước giẻ lau bảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn khẩn về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học.
Báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của những người có trách nhiệm, có liên quan và có cái tâm trong nghề giáo.
Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM: “Những giáo viên đó không có tình yêu nghề”
Hiện nay tôi thấy đạo đức nhà giáo đang có vấn đề và ngày càng đi xuống. Cách hành xử của thầy cô chưa đúng mực, như thầy Khôi chửi tục trong lớp, còn cô Châu thì im lặng khi lên lớp, đặc biệt cô Hương bắt HS uống nước lau bảng. Đây là một tình trạng đáng báo động mà các đơn vị cần phải chấn chỉnh.
Thực trạng này tôi cho rằng là do đạo đức cá nhân của người thầy chưa tốt. Thứ hai, năng lực chuyên môn của những thầy cô trên chưa đạt chuẩn. Thứ ba, những người giáo viên (GV) đó không có tình yêu nghề, tình yêu đối với trẻ nên mới hành xử như vậy.
Để giải quyết vấn đề trên thì theo tôi, trước hết quy trình tuyển dụng phải thật chặt chẽ, làm sao chọn đúng người có tài đi vào ngành. Còn tại cơ sở, người đứng đầu đơn vị phải tiến hành các buổi tập huấn: Tập huấn về nâng cao trình độ chuyên môn, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, tập huấn về đạo đức nhà giáo.
Bên cạnh đó nhà trường phải quản lý thông tin, tạo nên nhiều kênh giao tiếp, lắng nghe ý kiến của HS, từ phụ huynh để HS có cơ hội bày tỏ những trăn trở, chia sẻ, mong muốn của các em.
Bà PHAN THỤY MỘNG THU, GV lịch sử, Trường THCS Lữ Gia, quận 11, TP.HCM, nhiều năm liền là nhà giáo tiêu biểu: “Hãy dừng dạy trước khi làm hư một thế hệ học sinh”
Những hành vi bạo hành như thế sẽ đem lại hệ lụy tâm lý rất lớn đối với HS. Như em Phạm Song Toàn, tôi nghĩ chắc suốt cuộc đời em sẽ luôn bị ám ảnh về câu chuyện cô giáo của mình. Bởi khi tới trường học trò thường thần tượng thầy cô giáo. Nhưng với những hành vi bạo hành của thầy cô như thế sẽ khiến các em bị sụp đổ niềm tin.
Một thực tế hiện nay, điểm chuẩn sư phạm rất là thấp, chính vì điểm chuẩn sư phạm thấp, đi học không phải đóng học phí nên đã dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ không tha thiết với ngành nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên vẫn cứ học, vẫn cứ hành nghề mà không hề yêu trẻ.
Theo tôi, điều quan trọng nhất để trở thành một người GV chân chính là bản thân phải yêu trẻ, bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của trẻ để hiểu. Thứ hai là GV phải có đạo đức và biết chấp nhận hy sinh. Thứ ba, GV cần giỏi về chuyên môn. Nếu không giỏi chuyên môn thì không nên làm nghề giáo vì nó sẽ làm hư một thế hệ.
Hai trong số rất đông nạn nhân của những thầy cô giáo lên lớp bạo hành học sinh mà công luận phản ánh vừa qua. Ảnh: N.QUYÊN
TRẦN NGỌC KỲ ANH, cựu học sinh khóa 2012-2015, Trường THPT Hàn Thuyên, quận Phú Nhuận, TP.HCM:
Từng học thầy Khôi và chấn thương tâm lý nặng nề
Năm em học tại Trường Hàn Thuyên thì thầy Trần Huy Khôi vừa là GV chủ nhiệm, vừa là GV dạy văn của lớp.
Thầy là GV dạy văn nhưng mỗi khi vào lớp thầy không dạy mà thường nói chuyện ngoài lề, kể chuyện đời này nọ, không tập trung vào chuyên môn. Đặc biệt thầy không nói chuyện đàng hoàng, tử tế, thường nói tục, xưng hô với HS “mày-tao” rồi nói HS là “con quỷ”, “ngựa bà”. Thầy còn thường xuyên kiếm cớ đuổi HS ra ngoài. Đặc biệt, thầy thường nói chuyện tục tĩu và những chuyện nhạy cảm về giới tính.
Năm học đó, do không chịu nổi cách hành xử cũng như giảng dạy của thầy Khôi, tụi em đã kiên quyết đề nghị nhà trường đổi GV. Và cuối cùng năm đó thầy hiệu trưởng đã phải đổi GV cho chúng em.
Em không hiểu sao sau khi em ra trường, em được biết thầy lại tiếp tục được giảng dạy. Và lần này, sau những sai phạm thầy gây ra, thầy vẫn được làm ở thư viện. Bản thân em mong muốn có một hình phạt khác thích đáng hơn để những thế hệ sau không phải học người thầy như thế.
“Bộ Giáo dục cần hành động ngay lúc này” Hiện các thành viên ủy ban đang ngồi lại với nhau để mổ xẻ từng vấn đề một và bàn bạc, tìm ra hướng giải quyết. Riêng câu chuyện cô giáo không giảng bài hay mới đây là cô giáo phạt HS uống nước vắt giẻ lau bảng đương nhiên là chúng tôi rất bất bình. Trách nhiệm và cách giải quyết như thế nào cho phù hợp ở từng vụ việc là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và cần phải làm ngay lúc này. Bà NGÔ THỊ MINH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Diễn biến mới nhất về các thầy cô bạo hành học sinh Chiều 4-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên, cho biết: “Hiện chúng tôi đã tạm ngưng công tác giảng dạy của thầy Khôi ở năm lớp mà thầy phụ trách. Còn năm sau có phân công thầy giảng dạy tiếp hay không thì tôi đang báo cáo và xin ý kiến của Sở GD&ĐT TP”. Cùng với quyết định sa thải của nhà trường, cô giáo Hương đã bắt HS uống nước giặt giẻ lau còn bị loại bỏ ngay khỏi danh sách dự thi tuyển viên chức giáo dục của huyện. “Mặc dù không có quy định nào cấm nhưng cô Hương đã vi phạm đạo đức nghề giáo hết sức nghiêm trọng, bị cơ sở giáo dục chấm dứt hợp đồng thì chúng tôi phải loại bỏ thôi” - ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, cho biết. HÀ PHƯỢNG |