Theo dự kiến, hôm nay (22-7), TAND tỉnh Kon Tum sẽ xử phúc thẩm lần ba vụ “Cưa cây gỗ trắc chết khô bị xử tội trộm cắp tài sản” mà Pháp Luật TP.HCMtừng nhiều lần phản ánh. Trước đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy án phúc thẩm tuyên năm bị cáo không phạm tội, đề nghị xử phúc thẩm lại theo hướng các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản.
Không tòa nào xử tội trộm cắp
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các bản án, Pháp Luật TP.HCM phát hiện cùng hành vi cưa gỗ trái phép trong rừng đặc dụng (rừng tự nhiên), các tòa đều xét xử về tội hủy hoại rừng hoặc tội vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Chỉ riêng trong vụ án này thì lại bị xét xử về tội trộm cắp tài sản.
Trên trang web của TAND Tối cao công bố bản án vào tháng 10-2018 của TAND huyện Y (tỉnh Hà Giang) xử sơ thẩm bị cáo Sùng Nỏ S. (dân tộc H’Mông) tội vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS 1999. Theo đó, tháng 11-2017, S. mang theo một máy cưa xăng vào rừng phòng hộ tự nhiên (tỉnh Hà Giang) cưa một cây gỗ nghiến. Do trời tối nên S. để cây lại rồi về nhà, hôm sau quay lại cắt xẻ cây gỗ để làm nhà. Theo kết luận giám định, cây gỗ nghiến quy tròn nhóm IIA (thuộc loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) hơn 21 m3, trị giá hơn 150 triệu đồng.
Theo tòa, khối lượng gỗ mà S. khai thác đã vượt quá hai lần mức tối đa quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại điểm b khoản 2 Điều 12 của Nghị định 157/2013/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản). Từ đó tòa căn cứ vào tiểu mục 1.5 và 1.6 mục 1 phần IV của Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC xử phạt S. 30 tháng tù về tội danh trên.
Một vụ khác, tháng 9-2017, Trần Văn Th., Hoàng Anh T. cùng một số người rủ nhau vào rừng cưa cây gỗ giổi để lấy hạt. Nhóm của Th. người thì chặt cây, người hái quả giổi đem về lán sấy khô, bóc lấy hạt. Kiểm lâm đã bắt quả tang các bị cáo cưa hạ tám cây gỗ giổi với khối lượng hơn 43 m3 trị giá gần 390 triệu đồng và 13 kg hạt giổi trị giá hơn 3,2 triệu đồng. Đây là rừng tự nhiên quy hoạch rừng đặc dụng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tháng 10-2018, TAND huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) xử sơ thẩm căn cứ Thông tư liên tịch số 19 để phạt hai bị cáo Th. và T. mỗi người 12 tháng tù về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại Điều 175 BLHS 1999.
Năm bị cáo vụ cưa gỗ khô cho biết sẽ kêu oan đến cùng. Ảnh: MINH TÂM
TAND tỉnh Kon Tum từng áp tội vi phạm bảo vệ rừng
Vụ án gần đây nhất xét xử hành vi cưa cây tại rừng đặc dụng Vườn quốc gia Chư Mom Ray, TAND tỉnh Kon Tum cũng tuyên án về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Theo bản án, Vườn quốc gia Chư Mom Ray thuộc tỉnh Kon Tum là rừng đặc dụng. Do muốn có tiền tiêu xài nên từ năm 2016 đến 2017 (cùng thời điểm với vụ án “cưa gỗ khô” tại rừng đặc dụng Đăk Uy), lợi dụng sự thiếu trách nhiệm kiểm tra rừng, Trần Kim Quân cùng nhiều người khác vào Vườn quốc gia Chư Mom Ray để cưa 37 cây gỗ quy tròn (từ nhóm III đến nhóm VIII) với hơn 160 m3 gỗ.
Tháng 3-2019, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm vụ án. HĐXX đã căn cứ vào Nghị định 157/2013 và Thông tư liên tịch số 19 để xác định hành vi của các bị cáo đã phạm tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Từ đó tòa phạt bị cáo Quân cùng các bị cáo khác từ chín tháng tù (cho hưởng án treo) đến bốn năm tù giam về tội danh trên.
Tương tự, TAND huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) cũng từng áp dụng tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại Điều 232 BLHS 2015 để xét xử. Theo hồ sơ, cuối năm 2017, Giàng Seo Sếnh đi lấy mật ong ở Vườn quốc gia Yok Đôn đã phát hiện nhiều cây gỗ giáng hương. Sau đó, Sếnh gặp một người đàn ông không rõ lai lịch để trao đổi việc mua bán gỗ. Từ đó Sếnh rủ thêm người nhà và một số người cùng xã vào rừng cưa thì bị kiểm lâm đi tuần tra phát hiện. Gỗ giáng hương trong vụ này thuộc nhóm IIA, khối lượng hơn 5,8 m3, trị giá gần 130 triệu đồng.
Tháng 11-2018, TAND huyện Buôn Đôn nhận định Giàng Seo Sếnh cùng 14 bị cáo (đều dân tộc H’Mông) khai thác gỗ tại rừng đặc dụng là rừng tự nhiên Vườn quốc gia Yok Đôn đã cấu thành tội theo Điều 232 nói trên và phạt các bị cáo từ hai năm tù treo đến hai năm chín tháng tù.
Vụ cưa gỗ khô là ngoại lệ và duy nhất
Ngoài vụ án cưa cây gỗ trắc (nhóm IIA) chết khô tại rừng đặc dụng Đăk Uy nói trên bị TAND huyện Đăk Hà xử tội trộm cắp thì chính tòa này đã xử hai vụ án có hành vi tương tự nhưng về tội hủy hoại rừng.
Vụ thứ nhất, tháng 4-2012, Lê Văn Tùng và tám người khác mang theo cưa và xe thồ tự chế vào rừng đặc dụng Đăk Uy chia nhau đi tìm cây gỗ trắc để cưa. Khi nhóm Tùng vận chuyển 12 khúc gỗ trắc có tổng khối lượng là 0,963 m3 (trị giá hơn 157 triệu đồng) đi tiêu thụ thì bị phát hiện. Tháng 8-2013, TAND huyện Đăk Hà xử sơ thẩm đã phạt Tùng và tám đồng phạm 3,6-4,9 năm tù về tội hủy hoại rừng theo Điều 189 BLHS 1999. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm đã giữ nguyên tội danh với các bị cáo.
Vụ án thứ hai được công bố trên trang web của TAND Tối cao cũng xảy ra tại rừng đặc dụng Đăk Uy. Theo đó, khuya một ngày của tháng 11-2014, Nguyễn Văn Q. cùng ba người khác vào rừng cưa gỗ trắc và bị kiểm lâm phát hiện. Cây gỗ trắc (thuộc nhóm IIA) mà nhóm Q. cưa hạ có khối lượng hơn 1,3 m3 (trị giá hơn 160 triệu đồng). Ba đồng phạm của Q. lần lượt bị bắt và các bị cáo đều bị khởi tố về tội hủy hoại rừng. Năm 2017, Q. bị TAND huyện Đăk Hà phạt 36 tháng tù về tội hủy hoại rừng.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM sau khi xử giám đốc thẩm, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Anh Tiến cho rằng vụ cưa gỗ khô là vụ án đầu tiên (cho tới thời điểm này) bị xử về tội trộm cắp tài sản. |