Ông Nguyễn Văn Phước nói đã nghiên cứu kỹ các tài liệu trong vụ án và nhận thấy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum tuyên năm công dân không phạm tội trộm cắp tài sản là có căn cứ, áp dụng đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ ra được sai lầm ở quy định nào
. Phóng viên: Căn cứ nào để ông nhận định như thế, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Phước: Tại Điều 175 BLHS 1999 (hiện nay là Điều 232 BLHS 2015) quy định về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản không hề có thuật ngữ nào phân biệt gỗ khô hay gỗ tươi, cây sống hay cây chết. Tất cả đều quy ra m3 để phân định khung hình phạt.
Đáng chú ý, phải áp dụng Điều 175 BLHS 1999 (Điều 232 BLHS 2015) để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) hành vi khai thác trái phép gỗ rừng đặc dụng. Bởi lẽ Thông tư liên tịch 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) có đề cập đến tội danh xâm phạm sở hữu (như tội trộm cắp tài sản) nhưng chỉ trong trường hợp khai thác trái phép rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh…
Rõ ràng hành vi khai thác 0,123 m3 (dưới 5 m3) gỗ rừng đặc dụng của năm công dân chưa đến mức truy cứu TNHS, chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ.
. Ông đánh giá sao về kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao?
+ Theo tôi, bản án sơ thẩm đã xác định sai tội danh của năm công dân là trộm cắp tài sản. Cạnh đó, cơ quan chuyên môn là Cục Kiểm lâm (có chức năng khởi tố vụ án liên quan tới vi phạm về rừng) cũng cho rằng phải áp dụng Thông tư liên tịch 19/2007 để xem xét xử lý các đối tượng về hành vi khai thác rừng trái phép (Điều 175 BLHS).
Do đó, việc TAND Tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm năm công dân về tội trộm cắp tài sản là không có căn cứ pháp lý. Có lẽ chính vì vậy mà văn bản kháng nghị này chỉ có thể nói chung chung rằng tòa phúc thẩm “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” mà không thể chỉ ra được sai lầm ở quy định nào. Tôi nghĩ lãnh đạo TAND Tối cao cần rút kháng nghị này.
Năm công dân đến trụ sở VKSND Tối cao nộp đơn cầu cứu kêu oan. Ảnh: NN
Nên triệu tập năm công dân và luật sư
. Nếu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, vậy có ảnh hưởng tới thực tiễn áp dụng Điều 175 BLHS 1999 (Điều 232 BLHS 2015) không, thưa ông?
+ Tôi nghĩ phán quyết của cấp giám đốc thẩm là vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ quyết định số phận của năm công dân có phải đi thi hành án tù hay không mà nó còn ảnh hưởng rất nhiều tới đường lối xét xử trong hệ thống tòa án. Tôi lo ngại rằng nếu vụ này chúng ta xử tội trộm cắp tài sản thì những trường hợp tương tự khác cũng buộc phải xử như thế. Như vậy, vô tình Điều 175 BLHS 1999 (Điều 232 BLHS 2015) sẽ không có tác dụng.
. Theo ông, khi xử giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có cần phải triệu tập năm công dân và luật sư của họ?
+ Đây là vụ án có hai luồng quan điểm trái chiều từ chính các cơ quan tố tụng, do vậy HĐXX giám đốc thẩm khi tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm nên áp dụng khoản 2 Điều 383 BLTTHS 2015. Theo đó, trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa… tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
. Xin cám ơn ông.
TAND Tối cao từng hướng dẫn không xử lý tội trộm cắp Tháng 10-2011, TAND Tối cao từng có công văn gửi UBND tỉnh Kon Tum trao đổi về việc áp dụng pháp luật khi xử lý các vụ chặt gỗ trắc tại rừng đặc dụng Đắk Uy. Trong công văn này, TAND Tối cao nêu rõ nếu giá trị thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị chặt phá từ trên 50 đến 100 triệu đồng đối với nhóm IIA thì bị truy cứu TNHS theo điểm d khoản 2 Điều 189 BLHS (tội hủy hoại rừng - PV). Theo quy định tại Nghị định 32/2006 của Chính phủ (về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm), trắc là thực vật thuộc nhóm IIA. Do đó, nếu gỗ trắc bị chặt trộm tại rừng đặc dụng Đắk Uy có giá trị từ trên 50 đến 100 triệu đồng thì người vi phạm có thể bị truy cứu TNHS theo Điều 189 BLHS. Như vậy, chính TAND Tối cao từng hướng dẫn rằng có thể truy cứu TNHS người có hành vi chặt trộm gỗ trắc tại rừng đặc dụng Đắk Uy về tội hủy hoại rừng (không phải tội trộm cắp tài sản) nếu gỗ trắc bị chặt trộm có giá trị từ trên 50 đến 100 triệu đồng. Đối chiếu với hướng dẫn này, cả năm công dân chỉ cưa trộm khúc gỗ trắc trị giá hơn 19 triệu đồng nên cũng chưa đủ định lượng khởi tố về tội hủy hoại rừng. Bốn phiên tòa chưa xong vụ án Theo hồ sơ, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô, Dũng cả nể nên đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng). Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Năm bị cáo kháng cáo kêu oan, được TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên năm bị cáo không phạm tội. |