Phó chánh án làm oan 5 công dân đã trả lời văn bản
Trong văn bản gửi cho các công dân bị oan, Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường nêu: “Do vụ án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum đang được TAND Tối cao mượn hồ sơ để xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, TAND huyện Đắk Hà chưa thụ lý giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN) được. Sau khi có kết quả giải quyết của TAND Tối cao, TAND huyện Đắk Hà sẽ xem xét yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Vụ án đáng chú ý ở chỗ Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường từng làm chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần hai đã kết tội oan cả năm công dân về tội trộm cắp tài sản với mức án 11-14 tháng tù.
HĐXX sơ thẩm lần hai do Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường làm chủ tọa.
Trao đổi với phóng viên, kiểm lâm Phan Tiến Dũng cho biết anh đã làm đơn khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền về việc tòa từ chối thụ lý đơn yêu cầu bồi thường.
“Điều 355 BLTTHS quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Cũng theo Điều 28 BLTTHS thì bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Do đó, việc tòa án huyện Đắk Hà từ chối thụ lý hồ sơ của chúng tôi là trái luật. Tại sao là cơ quan thực thi pháp luật, nắm cán cân công lý mà tòa lại làm khổ chúng tôi suốt hai năm ròng rã. Gia đình chúng tôi quá mệt mỏi, tôi chỉ mong sao mình sớm được phục hồi danh dự để yên tâm đi làm kiếm tiền phụ vợ nuôi các con nhỏ ăn học” - anh Dũng nói.
Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, ngày 1-6, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm đã tuyên năm công dân không phạm tội trộm cắp tài sản. Đây là vụ án mà báo chí và nhiều chuyên gia tâm huyết như PGS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) rất quan tâm để mong công lý được thực thi.
Theo đó, vì quen biết, cả nể, kiểm lâm Phan Tiến Dũng đã để bốn người dân vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa khúc gỗ trắc chết khô khối lượng 0,123 m3. Sau đó, cả năm người bị các cơ quan tố tụng huyện Đắk Hà khởi tố, truy tố, xét xử về tội trộm cắp tài sản.
Năm công dân bị oan tại phiên tòa sơ thẩm lần hai.
Theo pháp luật hình sự hiện hành, xử hình sự năm công dân này là hình sự hóa vi phạm hành chính. Bởi lẽ họ cưa cây gỗ trắc đã chết khô trong rừng tự nhiên, là tài nguyên, không phải là tài sản do con người bỏ sức lao động tạo ra nên không thể xử họ về tội trộm cắp tài sản được. Nếu có xem xét thì chỉ có thể xem xét họ về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Thế nhưng muốn xử họ về tội này đòi hỏi khúc gỗ mà họ cưa phải từ 5 m3 trở lên. Do đó, chỉ có thể xử phạt hành chính đối với họ.
Dù pháp luật hình sự đã quy định rất rõ như trên nhưng hai lần xét xử sơ thẩm, TAND huyện Đắk Hà vẫn quyết kết án năm công dân 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm đã tuyên năm công dân không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Do chờ cả tháng vẫn chưa thấy TAND huyện Đắk Hà chủ động phục hồi danh dự nên ngày 2-7, bốn công dân bị oan gồm các anh Phan Tiến Dũng, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình (riêng anh Nguyễn Văn Bảy bận việc riêng nên chưa kịp gửi đơn) đã gửi đơn tới tòa này yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường.
Thế nhưng thêm lần nữa, TAND huyện Đắk Hà lại làm sai luật khi từ chối tiếp nhận đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại của họ bằng các lý do phi luật như tòa cấp trên đang mượn hồ sơ, chánh án có quyết định về tòa tỉnh xử án phúc thẩm… Thậm chí khi trả lời phóng viên, Chánh án Ngô Văn Minh tỏ thái độ bất chấp, nói người bị oan “có kiện đi đâu đó thì kiện”. Còn Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường thì bảo: “Cái này không thuộc trách nhiệm tôi giải quyết. Tôi là chủ tọa của vụ này nên để chánh án giải quyết. Nếu tôi giải quyết thì không khách quan”.
(PL)- Tòa huyện viện đủ lý do để không nhận đơn yêu cầu bồi thường oan. Theo Sở Tư pháp tỉnh và các chuyên gia, tòa làm vậy là trái luật, càng khắc thêm nỗi đau của người bị oan...