Trong hai ngày 2 và 3-7, bốn người dân từng được TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên không phạm tội trộm cắp tài sản gồm các anh Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ, Phan Tiến Dũng đã đến TAND huyện Đắk Hà nộp đơn yêu cầu bồi thường oan và công khai xin lỗi. Riêng một người bị oan khác là anh Nguyễn Văn Bảy có việc bận nên chưa tới nộp đơn.
Tòa kiên quyết không nhận đơn
Tuy nhiên, TAND huyện Đắk Hà viện ra đủ lý do để quyết liệt từ chối nhận đơn của các anh Khánh, Bình, Thụ, Dũng.
Cụ thể, Chánh án Ngô Văn Minh nói Vụ Hình sự TAND Tối cao đang mượn hồ sơ vụ án về nghiên cứu, cạnh đó ông cũng có quyết định điều về TAND tỉnh Kon Tum để xét xử các vụ án phúc thẩm nên không chịu nhận đơn.
Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần hai kết án cả năm người dân về tội trộm cắp tài sản) cũng từ chối: “Cái này không thuộc trách nhiệm tôi giải quyết. Tôi là chủ tọa của vụ này nên để chánh án giải quyết. Nếu tôi giải quyết thì không khách quan”.
Từ đó bà Hường chỉ các anh Khánh, Bình, Thụ, Dũng đến gặp bộ phận văn phòng của tòa nhưng văn phòng cũng từ chối nhận đơn và không đồng ý trả lời bằng văn bản lý do vì sao từ chối nhận đơn.
Cả hai lần xử sơ thẩm, TAND huyện Đắk Hà đều kết tội năm công dân. Ảnh: NN
Sở Tư pháp lên tiếng bảo vệ người bị oan
Việc TAND huyện Đắk Hà từ chối nhận đơn yêu cầu bồi thường oan đã làm các anh Khánh, Bình, Thụ, Dũng rất bức xúc. “Trước đây họ làm chúng tôi trầy vi tróc vảy, ăn không ăn được, ngủ không xong. Giờ chúng tôi có đến nộp mỗi cái đơn để đòi quyền lợi chính đáng thôi mà cũng không được. Chúng tôi biết phải làm sao?” - anh Thụ chua chát.
Trao đổi với PV qua điện thoại, Chánh án TAND huyện Đắk Hà Ngô Văn Minh nói: “Tôi đã bàn giao công việc cơ quan cho một người khác quản lý. Hiện nay TAND Tối cao đã mượn hồ sơ rồi nên dù có đơn đi nữa cũng không thể thụ lý được. Họ có kiện đi đâu đó thì kiện. Chuyện này thời hiệu ba năm, không có mất đi đâu được”. Ông Minh cũng cho biết sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào thêm nữa vì “bận lắm, không có thời gian. Muốn khiếu nại đi đâu thì cứ khiếu nại”.
Cũng trả lời qua điện thoại, Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường nói: “Chúng tôi sẽ có văn bản trả lời sau chứ không thể trả lời cho chị được”.
Chúng tôi đã liên lạc với Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum (đơn vị có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN) 2017) để phản ánh vụ việc. Phó Giám đốc Trần Minh Thắng cho biết ông đã tiếp nhận hồ sơ của các anh Khánh, Bình, Thụ, Dũng: “Tòa Tối cao mượn hồ sơ hay không tôi không biết nhưng bản án đã có hiệu lực pháp luật thì công dân có quyền yêu cầu bồi thường. Nếu tòa không nhận phải có lý do, phải trả lời. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu hồ sơ nên chậm nhất là thứ Hai (9-7) chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ cho TAND huyện Đắk Hà giải quyết bồi thường”.
Tòa làm trái luật
Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Phước, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Bản án của TAND tỉnh Kon Tum (có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2018) đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, tuyên năm công dân không phạm tội trộm cắp tài sản và đình chỉ vụ án. Căn cứ theo khoản 1 Điều 36 LTNBTCNN 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018) thì tòa sơ thẩm, cụ thể là TAND huyện Đắk Hà sẽ là cơ quan giải quyết bồi thường.
Khi người bị oan đến nộp hồ sơ yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại thì theo khoản 1 Điều 42 Luật TNBTCNN 2017, TAND huyện Đắk Hà phải tiếp nhận hồ sơ, ghi vào sổ nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ cho họ. Trường hợp hồ sơ được gửi qua bưu chính thì trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, tòa phải thông báo bằng văn bản về việc nhận hồ sơ cho người bị oan. Cạnh đó, Điều 43 LTNBTCNN 2017 còn quy định rõ trường hợp không thụ lý hồ sơ thì tòa phải nêu rõ lý do.
Cũng theo luật sư Phước, việc TAND Tối cao mượn hồ sơ không thuộc trường hợp hoãn giải quyết bồi thường theo Điều 49 LTNBTCNN 2017.
“Từ những phân tích trên, việc TAND huyện Đắk Hà lấy lý do TAND Tối cao đang mượn hồ sơ để không nhận đơn yêu cầu bồi thường và cũng không trả lời lý do bằng văn bản là hoàn toàn trái luật, càng khắc sâu thêm nỗi đau của người bị oan. Do đó, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, người bị oan cần gửi đơn khiếu nại đến chánh án tỉnh Kon Tum và TAND Tối cao” - luật sư Phước khẳng định.
Hình sự hóa vi phạm hành chính Như chúng tôi từng thông tin, tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho bốn người dân vào rừng đặc dụng Đắk Uy (rừng tự nhiên) cưa một cây gỗ trắc chết khô có khối lượng 0,123 m3. Vì vậy, kiểm lâm Dũng cùng bốn người dân trên đã bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Pháp Luật TP.HCM từng ghi nhận ý kiến của rất nhiều chuyên gia, trong đó có PGS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, khẳng định hành vi của năm công dân là sai nhưng theo quy định hiện hành thì chỉ là vi phạm hành chính chứ không đủ căn cứ để xử lý hình sự. Tuy nhiên, tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần đầu vẫn phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần đầu đã hủy bản án sơ thẩm vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Xử sơ thẩm lần hai hồi tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 1-6, xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên bố năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản. Phán quyết của HĐXX đã được người dân địa phương và dư luận ủng hộ. |