HĐXX tuyên năm bị cáo không phạm tội gồm: Chủ tọa Nguyễn Minh Thành (Chánh án TAND huyện Kon Rẫy), ông Phạm Hữu Luân (Chánh án TAND huyện Đăk Glei), ông Trần Phú Lợi (Chánh án TAND huyện IA H’Drai). Cả ba đều là thẩm phán của tòa các huyện được điều động về TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm
vụ án này.
Chiều 2-6, PV
Pháp Luật TP.HCM có cuộc
trao đổi nhanh với bốn luật sư (LS) đã bào chữa thành công cho năm bị cáo trên gồm: LS Lê Văn Hoan (Văn phòng luật sư Lê Văn), LS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty Luật LNT & Partners), LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Công ty Luật Tri Ân), LS Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật).
Bốn luật sư cũng bất ngờ về quyết định của tòa. Ảnh: NGÂN NGA
Theo các LS, đây là một phiên tòa mà HĐXX đã rất cẩn trọng trong việc lắng nghe các ý kiến tranh tụng tại phiên tòa để tuyên một bản án làm nức lòng dân.
“Nhận lời mời của báo
Pháp Luật TP.HCM để hỗ trợ pháp lý cho các bị cáo, bắt tay vào nghiên cứu
hồ sơ, gặp gỡ những bị cáo, tôi thấy ái ngại cho thân phận mà họ đang phải gánh chịu. Hành động của họ là sai và chúng tôi hoàn toàn không cổ xúy cho hành vi sai phạm ấy. Tuy nhiên, cái sai này không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự” - LS Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Từ đó LS Công đã gửi tám văn bản kiến nghị đến các cơ quan trung ương, địa phương và làm việc cả với đại biểu Quốc hội. Nhưng vướng mắc ở chỗ, vụ án đang chờ phiên tòa phúc thẩm nên các cơ quan, ban ngành khác chưa thể can thiệp.
Thế rồi niềm vui vỡ òa khi ở phiên tòa phúc thẩm lần đầu, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên hủy án để
điều tra lại. Nhưng tòa chỉ hủy do có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm, chứ không phải vấn đề về áp dụng pháp luật sai mà ở cấp phúc thẩm các LS đã đặt ra.
Kết luận điều tra và cáo trạng mới vẫn quy buộc các bị cáo phạm tội. Kết quả của phiên tòa sơ thẩm lần hai vẫn tuyên các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản là điều không quá ngạc nhiên.
Phiên tòa phúc thẩm lần hai, các LS sáu lần ngược xuôi đến tòa (do năm lần hoãn), điều này cho thấy tòa địa phương cũng đang lúng túng, khó xử đối với vụ án.
“Sau hai năm đeo bám vụ án, công lý đã tìm đến và có hình thù rõ ràng chứ không chỉ lóe sáng. Tôi vui mừng vì thứ mình tìm là có thật” - LS Công nói.
Còn LS Kim Vinh vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nhắc về phiên tòa: “HĐXX đã cho chúng tôi thấy cuộc sống này còn nhiều niềm hy vọng”. LS Vinh dù đã ngoài 60 tuổi nhưng trong bà lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết với nghề. Bà hài lòng về HĐXX phúc thẩm lần hai: “HĐXX đã căn cứ vào diễn biến kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra một bản án tôn trọng sự thật khách quan và đảm bảo được nguyên tắc mới được quy định trong BLTTHS 2015 là suy đoán vô tội. Bởi trong phần thẩm vấn của HĐXX, các câu hỏi đặt ra có vẻ như hướng về những vi phạm tố tụng của tòa sơ thẩm. Không những vậy, tại phiên tòa, chủ tọa Nguyễn Minh Thành còn nhắc nhở kiểm sát viên cần tranh luận thêm về Thông tư 19, làm rõ những vấn đề mà các LS nêu ra trong việc áp dụng pháp luật. Cẩn thận hơn nữa, dù đang ở phần tranh luận, chủ tọa còn quay lại phần xét hỏi để làm rõ vấn đề rừng đặc dụng Đắk Uy có phải rừng tự nhiên hay không. Điều này khiến cho chúng tôi nghĩ về khả năng HĐXX sẽ hủy bản án sơ thẩm. Nhưng sau phần tranh luận nảy lửa giữa chúng tôi với đại diện VKS về những vấn đề áp dụng pháp luật, HĐXX đã có một phán quyết thật bản lĩnh, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.
Riêng LS Hoan lại tâm đắc nhất khi ông “than thở” có nhiều vấn đề ở cấp sơ thẩm mà các LS nêu ra nhưng kiểm sát viên tranh luận chưa đầy đủ. Thấy vậy, chủ tọa ngay lập tức đề nghị LS Hoan hãy tranh luận tất cả nội dung mà các LS muốn nhắc tới để tòa đánh giá vụ án toàn diện.
“Có thể đánh giá rằng HĐXX đã không hạn chế quyền bào chữa của LS như thường thấy ở một số phiên tòa khác” - LS Hoan cho biết.
Một thông tin khác, các LS cho rằng khi tiếp cận hồ sơ, căn cứ truy tố các bị cáo là không có. Dù biết vậy nhưng việc đấu tranh để giành công lý không hề đơn giản. Nếu tòa sơ thẩm kết tội các bị cáo thì bị cáo vẫn còn cơ hội kháng cáo. Nhưng không hiểu lý do gì, dù năm bị cáo được tại ngoại nhưng cả hai lần xử sơ thẩm đều có sẵn xe chở phạm nhân ở ngoài, ảnh hưởng không hề nhỏ tới tâm lý các bị cáo.
An ninh thì lúc nào cũng được thắt chặt, khiến không khí vô cùng ngột ngạt.
“Nhìn những khuôn mặt các bị cáo cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng vẫn không che được sự lo âu, vì thế LS chúng tôi lại càng quyết tâm dồn hết tâm huyết cho vụ án. Và thần công lý đã mỉm cười với chúng tôi” - LS Quân tươi rói.
“Chẳng ai ngờ rằng HĐXX đã đủ bản lĩnh để tuyên cả năm bị cáo vô tội. Bởi từ trước tới nay, tâm lý các tòa rất ngại tuyên bị cáo không phạm tội mà họ thường hủy án để trả về cấp sơ thẩm làm lại hoặc cho hưởng án treo. Tôi mong muốn ngành tòa án ngày càng có nhiều thẩm phán đầy đủ bản lĩnh và trách nhiệm tuyên những bản án đúng quy định pháp luật như thế nữa” - LS Vinh chia sẻ.
Chiều 1-6, TAND tỉnh Kon Tum đã xử phúc thẩm, tuyên bố kiểm lâm Phan Tiến Dũng và bốn bị cáo khác không phạm tội trộm cắp tài sản trong vụ cưa cây gỗ chết khô mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh. Theo hồ sơ, tháng 4-2016, kiểm lâm Dũng để cho bốn người dân là Lê Quốc Khánh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa một cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện (khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ có 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng). Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy bản án sơ thẩm nhưng xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Năm bị cáo được tòa tuyên không phạm tội. Ảnh: NGÂN NGA Theo các LS, theo Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao, chỉ có thể xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS cũ) khi cây gỗ trắc các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo cưa cây gỗ trắc chết khô lại là rừng đặc dụng nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội trộm cắp tài sản là không có căn cứ pháp lý. Ngoài ra, nếu xem xét xử lý các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS cũ) thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3) nên chưa đủ định lượng để khởi tố. Việc các bị cáo chặt cây gỗ trắc dù đã chết khô rõ ràng là có vi phạm, nhưng sai đến đâu thì xử lý đến đó, không thể chỉ đáng xử hành chính mà lại quyết xử hình sự cho bằng được. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 1-6, đại diện VKSND tỉnh Kon Tum vẫn đề nghị tòa tỉnh bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo. |