Bị “vịn” buộc lòng vị chánh án TAND phải tổ chức cuộc họp bất đắc dĩ ngay tại phòng họp của tòa án.
Dư luận đặt vấn đề: Vì sao TAND tỉnh Kon Tum không lên phương án tổ chức phiên tòa có thẩm phán dự khuyết ngay từ đầu để tránh được tình huống trớ trêu trên?
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, tháng 4-2016, kiểm lâm của rừng đặc dụng Đắk Uy đã để cho bốn người dân vào rừng cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô nên bị khởi tố. Theo Thông tư liên tịch 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ trắc dưới 5 m3 thì chưa đủ định lượng để khởi tố hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính. Nhưng cả hai lần xử sơ thẩm TAND huyện Đắk Hà vẫn tuyên phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Chủ tọa trong phiên xử ngày 2-5 thông báo hoãn xử vì lý do sức khỏe. Ảnh: NGÂN NGA
Đáng chú ý là tại phiên tòa phúc thẩm lần một, TAND tỉnh đã phải hoãn phiên tòa vì kiểm sát viên vắng mặt với lý do sức khỏe. Thế rồi đến phiên xử phúc thẩm lần hai, tới lượt ba thẩm phán của HĐXX thay phiên nhau vắng mặt (hai lần vì lý do sức khỏe, một lần không nêu rõ lý do). Điều lạ là cả ba lần này TAND tỉnh đều không có thẩm phán dự khuyết thay thế, khiến cả những người tham gia tố tụng và hàng trăm người dân phải ra về và đặt ra nhiều nghi vấn.
Điểm bất thường đầu tiên, đây không phải là đại án nhưng vụ án đã từng bị TAND huyện Đắk Hà đưa ra xét xử lưu động trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân địa phương. Những lần xử sau đó dù tòa không đưa các bị cáo ra xét xử lưu động nhưng vẫn có rất nhiều cán bộ của cơ quan, ban, ngành ở huyện, tỉnh và cả trăm người dân đến ngồi tràn ra hành lang theo dõi phiên tòa. Và những bất thường tiếp theo đến từ việc các thành viên trong HĐXX phúc thẩm thay nhau vắng mặt.
Luật đã quy định đầy đủ về những lý do khiến phiên tòa phải hoãn. Tuy nhiên, việc hoãn phiên tòa xuất phát từ những lý do cá nhân của những người tiến hành tố tụng thì luật lại không quy định cụ thể. Trong khi đó, nếu phía bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác xin vắng mặt vì lý do sức khỏe thì họ phải cung cấp cho tòa được các giấy tờ của bệnh viện.
Điều 346 BLTTHS 2015 quy định thời hạn đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm là 60 ngày. Để tránh tình trạng vi phạm tố tụng do kéo dài thời hạn xét xử và đảm bảo quyền lợi cho các bên nên BLTTHS 2015 cho phép các cơ quan tố tụng được bố trí thêm thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên dự khuyết. Nếu các tòa chuẩn bị tốt thì chỉ cần một trong các thành viên trên vắng mặt vì bất cứ lý do nào thì ngay lập tức đã có người dự khuyết ra thay thế.
Quy định đã có nhưng thật khó hiểu khi TAND tỉnh Kon Tum đã để phiên tòa phải hoãn tới lần thứ ba chỉ vì một lý do duy nhất là một trong các thành viên HĐXX xử vắng mặt mà không có thẩm phán dự khuyết thay thế. Sự trùng hợp này khiến người ta có quyền nghi ngờ về tính trung thực của việc có hay không thẩm phán bị bệnh?
Hơn nữa, vụ án có tới bốn luật sư bào chữa miễn phí cho các bị cáo họ đến từ những nơi rất xa như TP.HCM và Đồng Nai. Mỗi lần TAND tỉnh lên lịch xét xử họ phải sắp xếp công việc, mất thời gian nghiên cứu hồ sơ, bỏ tiền túi đến tham dự tòa. Đó là chưa kể hàng trăm người dân quan tâm đến vụ án bỏ việc nương rẫy đến tòa nhưng đều phải thất vọng ra về.
Luật sư VŨ PHI LONG (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM)