LS Vinh nói: “Thưa chủ tọa, chúng tôi muốn biết rõ lý do hoãn phiên tòa, đây là lần thứ ba các thành viên trong HĐXX thay nhau vắng mặt. Chúng tôi không thể chấp nhận được việc hoãn nhiều lần như vậy. Đề nghị chủ tọa cho xem những giấy tờ chứng minh về sức khỏe của thẩm phán vắng mặt”.
Lần thứ ba các thành viên của hội đồng xét xử thay nhau vắng mặt. Ảnh: NGÂN NGA
LS Hoan tiếp lời: “Lần trước phiên tòa hoãn do mẹ của vị giám đốc ban quản lý rừng (nguyên đơn dân sự trong vụ án) bị hấp hối là không đúng sự thật. Chúng tôi đã xác minh là ông ấy về tảo mộ từ trước đó mấy hôm”.
Đã xách cặp ra về nhưng chủ tọa Nguyễn Minh Thành (áo trắng, giữa) bị "mời" ở lại. Ảnh: NGÂN NGA
Tại buổi trao đổi với chánh án, các LS đề nghị TAND tỉnh phải bố trí thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên dự khuyết. Nếu tòa sử dụng hết mọi lý do hoãn phiên tòa theo Điều 297 BLTTHS 2015 thì vụ án sẽ bị kéo dài.
LS Hoan nhấn mạnh: “Không thể nói rằng lãnh đạo tỉnh không hay biết về vụ án vì quá trình xét xử, Tỉnh ủy rất quan tâm. Rõ ràng tính chất, mức độ và dư luận quan tâm nhưng ở đây một phiên tòa như vậy mà không có thẩm phán dự khuyết. Mục đích chúng tôi làm việc với chánh án là phiên tòa này không nghiêm túc. Mong chánh án xem xét lại”.
Chánh án TAND tỉnh Kon Tum buộc phải mở buổi họp ngoài kế hoạch sau khi tòa bị hoãn. Ảnh: NGÂN NGA
Chánh án A Brao Bim nói: “Việc cho rằng có uẩn khuất trong vụ án, chúng tôi chưa nghe báo lại. Còn các LS cho rằng sao không phân công thẩm phán dự khuyết, cái này là do bộ phận tham mưu đề xuất. Thẩm phán bị ốm, tôi cũng chưa nghe báo lại là ốm như thế nào. Sắp tới đây chúng tôi sẽ bổ sung vào thẩm phán dự khuyết”.
Người dân và các luật sư vào làm việc với chánh án TAND tỉnh Kon Tum. Ảnh: NGÂN NGA
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa lấy gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp mình nên Dũng đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô thì bị phát hiện. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.
LS Nguyễn Thành Công cho biết tòa không lên lịch xét xử công khai vụ án. Đến khi hỏi thì cán bộ văn phòng mới chạy tới dán lịch nhưng lại không có dấu và chữ ký. Ảnh: NGÂN NGA
Chánh án A Brao Bim: Sao PV hỏi kỹ thế? . Phóng viên: Thưa ông, dư luận cho rằng có tiêu cực nên tòa chưa thể đưa vụ án ra xét xử? + Chánh án: Tôi sẽ tiếp tục xem xét cán bộ, mai mốt tôi trả lời. . Vụ án được dư luận tỉnh Kon Tum theo sát, Tỉnh ủy có chỉ đạo gì không? + Các vụ án có dư luận xã hội đều có sự quan tâm. Ở đâu chả thế. . Vậy Tỉnh ủy chỉ đạo sao về vụ án? + Thì xử theo đúng quy định của pháp luật. . Đây có phải là vụ án khó xử và tòa có gặp vướng mắc gì không? + Chỉ có HĐXX nghiên cứu hồ sơ mới biết là khó. Tôi có nghiên cứu hồ sơ đâu, tôi chỉ đọc và phân án. Án có phức tạp hay không thì chỉ có HĐXX mới nghiên cứu biết được. Tôi sẽ tiếp tục hỏi các thẩm phán vì đây là việc xét xử độc lập, tôi đâu có làm thay được, cũng không ai định tội giùm HĐXX. Chỉ có HĐXX mới biết có tội hay không. . Các thẩm phán thay phiên nhau vắng mặt, chánh án đánh giá sao về vấn đề này? + Chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu sai sẽ có quy chế của cơ quan để xử lý. Sai chỗ nào xử lý ở chỗ đó. Cần gì PV phải hỏi kỹ thế! . Vậy phiên tòa lần sau có khả năng bị hoãn nữa không? + Tôi không khẳng định, hỏi như thế là đánh đố. Con người mà ai biết ốm đau sao. Cá nhân đó chịu trước pháp luật. Có vụ án còn 10 năm nay còn tiếp diễn, nói vụ này đâu có gì là lâu đâu. |