Lý do kiểm điểm: Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Đắk Hà đã để mất gốc gỗ trắc nặng 450kg.
Nguồn tin cho biết trong vụ án kiểm lâm Phan Tiến Dũng và đồng phạm đang bị khởi tố, quá trình thực nghiệm điều tra, CQĐT đã đào gốc gỗ trắc từ rừng Đắk Uy mang về rồi chuyển qua Chi cục THADS huyện Đắk Hà quản lý. Do gốc gỗ quá to và nặng tới 450kg, không thể để vào trong kho nên mới để trong khuôn viên Chi cục. Trong đêm 26-2, trộm đã vào lấy mất gốc gỗ này.
Gốc gốc trắc nặng 450kg mà công an huyện Đắk Hà đào đã bị mất trộm
Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho biết riêng một phần thân gỗ trắc trị giá hơn 19 triệu đồng mà cơ quan tố tụng từng truy tố kiểm lâm Phan Tiến Dũng và đồng phạm thì vẫn còn nằm trong kho, không bị mất.
Cục THADS tỉnh Kon Tum đã báo cáo sự việc lên Tổng cục THADS, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, Chi cục THADS huyện Đắk Hà đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của Chi cục trưởng, Chi cục phó và hai bảo vệ. Khi nào kết thúc vụ án sẽ tiến hành xử lý kỷ luật trách nhiệm của cá nhân liên quan. Được biết ban đầu tính cho hai bảo vệ trong ca trực hôm đó nghỉ việc, nhưng do đây là bảo vệ hợp đồng, chưa xử lý trách nhiệm mà cho nghỉ việc thì sau này sẽ ảnh hưởng đến việc bồi thường.
Do kho Chi cục THADS huyện không thể chứa được gốc gỗ trắc nên đã để trong khuôn viên Chi cục
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa trộm gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê cho mình nên Dũng đồng ý.
Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô thì bị phát hiện. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt các bị cáo từ 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan vì cây gỗ mà các bị cáo cưa là cây mọc tự nhiên được xem là tài nguyên nên không phải là đối tượng để xử lý theo tội trộm cắp tài sản. Nếu có bị xâm hại thì phải bị xử lý về hành vi khai thác trái phép nhưng do các bị cáo khai thác chưa đủ định lượng để xử lý hình sự, chỉ có thể xử phạt hành chính.
Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum đã huỷ bản án sơ thẩm trên.
Hôm qua (27-7), cơ quan điều tra huyện Đắk Hà đã ban hành kết luận điều tra mới, thể hiện một gốc gỗ trắc thuộc nhóm IIa, nặng 450 kg (tương đương 0,45m3) do chính cơ quan điều tra đào mang về rồi chuyển giao cho Chi cục THADS huyện Đắk Hà thì đã bị mất trộm. Hiện công an huyện Đắk Hà đang xác minh điều tra làm rõ.
Trước đó ông Lương Quốc Thế (Phó giám đốc Rừng đặc dụng Đắk Uy) từng cho rằng việc các bị cáo khai thác trái phép không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng vì cây đã chết khô không còn khả năng sinh trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 117/2010/NĐ-CP và thông tư 78/2011/TT-BNNPTNT thì tất cả các cây trong khu vực rừng đặc dụng đều không được tác động đến ngoại trừ trường hợp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.