Ngày 2-7, bốn công dân từng được TAND tỉnh Kon Tum tuyên trắng án vào ngày 1-6 gồm các anh: Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ, Phan Tiến Dũng đã đến TAND huyện Đắk Hà để nộp đơn yêu cầu bồi thường và công khai xin lỗi. Riêng anh Nguyễn Văn Bảy đã về quê vợ nên chưa tới nộp đơn. Tuy nhiên, TAND Đắk Hà quyết liệt từ chối nhận đơn của bốn công dân trên.
Sau khi bị thư ký từ chối nhận đơn, bốn công dân vào phòng gặp lãnh đạo tòa để trình bày vụ việc.
“Tôi có quyết định về tỉnh rồi chứ không ở đây, tôi không có thẩm quyền để giải quyết. Thông cảm đi. Nếu văn phòng không nhận thì kiện ra TAND tỉnh” - chánh án Ngô Văn Minh nói.
Không đồng ý với cách trả lời trên, bốn công dân tiếp tục đi vào phòng Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường (người xét xử sơ thẩm lần hai đã tuyên cả năm công dân phạm tội trộm cắp tài sản). “Cái này không thuộc trách nhiệm tôi giải quyết. Tôi là chủ tọa của vụ này nên để chánh án giải quyết” - bà Hường nói. Cạnh đó bà Hường còn cho biết phải chờ giám đốc thẩm giải quyết.
HĐXX do Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường làm chủ tọa đã kết án oan sai năm công dân
“Chúng tôi không cần biết. Bản án đã có hiệu lực, tòa phải thi hành bản án” - anh Tiến Dũng nhấn mạnh.
“Vụ này tôi giải quyết nên tôi không thể nào xem xét giải quyết nữa. Hiểu chưa? Nếu tôi giải quyết thì không khách quan. Giờ anh cứ qua gặp đồng chí giải quyết đơn. Tôi là người bồi thường trong vụ này, giờ tôi nhận đơn có khách quan không?”.
Khi bị đẩy qua lòng vòng, anh Nguyễn Văn Thụ bức xúc: “Trước đây làm cho chúng tôi trầy vi tróc vẩy ra, ăn không ăn được, ngủ không ngủ được. Giờ chúng tôi có đến nộp mỗi cái đơn thôi mà cũng không được. Gặp trưởng thì trưởng bảo chuyển công tác, gặp phó thì phó không nhận. Chúng tôi biết phải làm sao?”.
Bốn công dân lại quay xuống gặp văn phòng thì được thư ký tiếp tục giải thích: “Tôi đã trả lời anh rồi, hiện nay TAND Cấp cao đang rút hồ sơ xem xét, chúng tôi không có thẩm quyền giải quyết. Tôi không muốn đôi co. Tôi làm sai các anh có quyền đi khiếu nại chỗ khác. Tôi nói một câu, các anh chặn ngang một câu, vừa phải thôi chứ?” - vị này lớn tiếng.
“Chúng tôi chỉ cần tòa có văn bản trả lời lý do không nhận đơn chứ chúng tôi không gây khó gì cho anh cả” - anh Tiến Dũng đáp.
Nhưng vị thư ký này nói không có con dấu nên không thể đánh một văn bản và hẹn hôm sau ghé gặp lãnh đạo.
Hôm nay 3-7, bốn công dân lại tiếp tục đến TAND huyện Đắk Hà để nộp đơn.
Các công dân trong phiên tòa sơ thẩm do Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường làm chủ tọa
Chánh án Ngô Văn Minh nói: “Nay tôi có quyết định về tỉnh rồi, tôi không có ở đây để giải quyết. Vụ hình sự TAND Tối cao mượn hồ sơ của tỉnh để về nghiên cứu, họ sẽ trả lời bằng công văn nên không nhận đơn được. Thứ hai, giờ các cháu chưa bị xử lý hình sự thì chuyển sang xử lý hành chính. Khi có xử lý hành chính các cháu khởi kiện ra toà án, các cháu thực hiện nghĩa vụ của mình, có nghĩa là mình nộp biên lai hành chính theo đơn bồi thường, có quyết định xử phạt hành chính gửi đến tòa. Chú giờ có quyết định về tỉnh để xét xử các vụ án phúc thẩm nên chỉ ủy quyền cho cấp Phó. Thôi ráng chờ đi, bình tĩnh, cứ về đừng nghe ai cả”.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho bốn người dân vào rừng đặc dụng Đắk Uy (rừng tự nhiên) cưa một cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện (khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ có 0,123 m3). Vì vậy, kiểm lâm Dũng cùng bốn người dân trên đã bị công an huyện, VKSND huyện Đắk Hà (Kon Tum) khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản.
Hành vi của năm bị cáo là sai nhưng theo quy định hiện hành thì chỉ là vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm. Tuy nhiên, tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần đầu vẫn phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần đầu đã hủy bản án sơ thẩm vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Xử sơ thẩm lần hai hồi tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Tại phiên xử phúc thẩm lần hai của TAND tỉnh Kon Tum ngày 1-6-2018, đại diện VKSND tỉnh Kon Tum vẫn đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên bố năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản. Phán quyết của HĐXX đã được người dân địa phương và dư luận ủng hộ vì áp dụng đúng pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhập thông tin tới bạn đọc.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định quy định tại Điều 55 của luật này có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. Trích Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước |
(PLO)- Từ đấu tranh của Pháp Luật TP.HCM và bốn luật sư Lê Văn Hoan (Văn phòng Luật sư Lê Văn), Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao, Công ty Luật LNT & Partners), Trần Cao Đại Kỳ Quân (Công ty Luật Tri Ân), Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật), TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên 5 bị cáo không phạm tội.