Bao giờ điệp khúc thiếu thuốc hiếm, thiếu vaccine… mới chấm dứt?

(PLO)- Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vaccine này.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc botulinum tử vong vì không được dùng thuốc giải độc kịp thời.

Hàng triệu trẻ em 6-36 tháng tuổi đang đợi từng liều vitamin A khi thời hạn uống đã tới vào ngày 1-6.

Hàng triệu trẻ em đang ngóng đợi từng liều vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong khi vaccine dịch vụ thì dồi dào nhưng không phải phụ huynh nào cũng có đủ khả năng cho con tiêm dịch vụ.

Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiều loại vaccine và thiếu thường xuyên đến vậy. Nhiều địa phương phải gửi văn bản cầu cứu khẩn cấp.

Thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng đang kéo theo những hệ lụy nguy hiểm. Tỉ lệ hoãn hoặc bỏ tiêm cho trẻ em tăng cao khiến hàng rào phòng ngừacác bệnh truyền nhiễm bị đe dọa. Điều này chính là nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Ngày 18-5, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 183/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.

Tại thông báo, Phó Thủ tướng kết luận việc chuyển đổi tiêm chủng mở rộng, cấp phát vitamin A, thuốc ARV, điều trị lao từ chương trình mục tiêu y tế - dân số sang nhiệm vụ thường xuyên là một tiến bộ trong công tác y tế, tiêm chủng thời gian qua.

Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vaccine, vitamin A... trong thời gian tới, bộ này tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn, vaccine dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung cho các địa phương mua sắm.

Trên tinh thần đó, bộ cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 12-2-2023.

Sau khi đấu thầu tập trung thành công, Bộ Y tế xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vaccine. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vaccine này.

Bộ Y tế, xin hãy gấp rút bắt tay vào giải quyết các vướng mắc, để nhanh chóng ổn định tình hình. Tất cả phải khẩn trương vì tính mạng của người bệnh, vì sức khỏe của thế hệ trẻ trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới