Bão Ian ở Mỹ: 85 người chết, sẽ cần hàng chục tỉ USD để tái thiết

(PLO)- Bão Ian được xem là một trong những cơn bão gây tốn kém nhất trong lịch sử bang Florida (Mỹ) khi số người chết đã lên tới 85 người và thiệt hại lên tới hàng chục tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơn bão Ian càn quét qua các bang miền đông nam nước Mỹ hồi tuần trước đã để lại những hậu quả khủng khiếp khi số người chết liên quan cơn bão đã vượt qua 80 người, trong khi đó Mỹ cần hàng chục tỉ USD cho công việc tái thiết sau bão, hãng Reuters đưa tin ngày 2-10.

Bão Ian đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới người dân các bang miền đông nam nước Mỹ. Ảnh: REUTERS

Bão Ian đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới người dân các bang miền đông nam nước Mỹ. Ảnh: REUTERS

Sau khi bão Ian đổ bộ vào bờ biển Vùng Vịnh của bang Florida vào ngày 28-9 với sức gió duy trì tối đa ở mức 241km/giờ và được xếp vào cấp 4/5 theo thang bão Saffir-Simpson, ít nhất 85 trường hợp thiệt mạng do cơn bão đã được xác nhận.

Số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng lên khi nước lũ bắt đầu rút đi và công cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn mở rộng tới các khu vực ban đầu bị cô lập. Hàng trăm người đã được cứu khi nhân viên cứu hộ tiếp cận các căn nhà bị ngập nước hoặc bị lũ cuốn trôi.

Phần lớn số người chết là cư dân bang Florida, đặc biệt tại hạt Lee - nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão khi nó đổ bộ vào đất liền - xác nhận có tới 42 người chết. Trong khi đó, 39 người thiệt mạng đã được ghi nhận tại các hạt lân cận.

Chính quyền bang North Carolina báo cáo ít nhất bốn người đã thiệt mạng, trong khi bang South Carolina hiện chưa ghi nhận trường hợp thiệt mạng nào khi cơn bão quét qua nơi này vào hôm 30-9.

Các quan chức địa phương đang đối mặt làn sóng chỉ trích liệu họ đã đưa ra thông báo yêu cầu sơ tán kịp thời hay chưa.

Bên cạnh đó, bão Ian cũng phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng tại các bang miền đông nam nước Mỹ. Các hình ảnh vệ tinh của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy hầu hết các ngôi nhà dọc bờ biển của đảo Sanibel thuộc bang Florida đều bị tốc mái. Nỗ lực phục hồi tại hòn đảo này cũng gặp trở ngại do cây cầu cao tốc duy nhất nối hòn đảo với đất liền đã bị đứt gãy.

Trong khi đó, nhiều con đường bị ngập và nhiều tuyến đường bị ách tắc do cây lớn đổ xuống đường. Chỉ tính riêng tại bang Florida, hơn 700.000 cơ sở kinh doanh và hộ gia đình vẫn bị mất điện.

Theo công ty phân tích và dữ liệu bất động sản CoreLogic, các công ty bảo hiểm đang chuẩn bị cho các khoản bồi thường từ 28 tỉ đến 47 tỉ USD. Bão Ian được xem là cơn bão tốn kém nhất trong lịch sử Floria kể từ sau cơn bão Andrew năm 1992.

Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden dự kiến tới thăm khu vực bị bão tàn phá nặng nề tại bang Florida vào ngày 5-10. Trong ngày hôm nay 3-10 (giờ địa phương), ông Biden sẽ tới thăm khu vực Puerto Rico, nơi hàng trăm hộ gia đình vẫn đang sống trong cảnh mất điện sau khi bão Fiona càn quét qua nơi đây hai tuần trước.

Bão Orlene chuẩn bị đổ bộ vào Mexico có thể gây lũ quét nghiêm trọng

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ ngày 2-10 đưa tin bão Orlene đang di chuyển vào bờ biển tây nam Mexico với sức gió duy trì tối đa gần 215km/giờ và được xếp vào cấp 4/5 theo thang bão Saffir-Simpson. Nhưng sau đó sức gió của cơn bão đã giảm còn 165km/giờ vào tối ngày 2-10, theo hãng AP.

Bão Orlene dự kiến sẽ đổ bộ vào Islas Marias (Mexico) đêm ngày 2-10 hoặc rạng sáng ngày 3-10 mang theo các trận mưa lớn, có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất đe dọa tới tính mạng người dân. Tại Islas Marias, lượng mưa có thể ghi nhận từ 6 đến 10 inch (từ 15 đến 25cm), các bang Nayarit và Sinaloa có thể ghi nhận lượng mưa từ 3 đến 6 inch, với lượng cục bộ lên đến 10 inch, và các bang Jalisco, Colima dự kiến ghi nhận lượng mưa khoảng 1 đến 3 inch.

Cảnh báo bão nhiệt đới được đưa ra đối với bờ biển lục địa Mexico từ Playa Perula đến San Blas và đối với bờ biển lục địa Mexico từ Manzanillo đến Playa Perula. Người dân sống trong khu vực có đường đi của cơn bão được khuyến cáo nên hết sức đề phòng do có khả năng xảy ra lũ lụt, gió và dòng chảy nguy hiểm đe dọa tới tính mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm