Một tuần sau khi cơn bão Irene càn quét bờ Đông nước Mỹ (53 người chết), các bang dọc vịnh Mexico đang khẩn trương chuẩn bị đón bão Lee. Đây là cơn bão nhiệt đới thứ 12 kể từ đầu mùa bão năm nay bắt đầu từ cuối tháng 6 trên Đại Tây Dương.
Nhiều hãng khai thác dầu khí ở vịnh Mexico như Royal Dutch Shell, Exxon Mobil Corp, BP Plc đã cho sơ tán nhân viên. Từ cuối tuần rồi, sản lượng dầu khai thác trên vịnh Mexico đã giảm phân nửa, sản lượng khí đốt giảm 1/3. Các giàn khoan dầu trên vịnh Mexico cung cấp 1/3 sản lượng dầu thô và 12% sản lượng khí đốt ở Mỹ.
Theo Trung tâm Dự báo bão Mỹ, nguy cơ mưa lớn gây ngập lụt do bão Lee đang đe dọa ba bang Louisiana, Mississippi và Alabama. Thống đốc hai bang Louisiana, Mississippi và thị trưởng TP News Orleans (bang Louisiana) đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Hàng ngàn người ở hai bang Louisiana và Mississippi bị cúp điện do mưa to gió lớn. Các bang Louisiana, Mississippi, Alabama, Florida đã phát cảnh báo dự báo bão có thể kèm theo lốc xoáy ở một số khu vực.
Máy bay trực thăng cứu người tại TP Nachikatsuura. Ảnh: REUTERS
Tại bang Louisiana, sáng ngày 4-9 theo giờ địa phương, bão Lee đã tiến vào bờ biển. Tâm bão còn cách TP Lafayette khoảng 80 km. Thống đốc bang Bobby Jindal đã kêu gọi người dân chuẩn bị cho tình hình tệ hại hơn. Một số khu vực đã nhận được lệnh sơ tán.
Năm 2005, 80% diện tích TP News Orleans bị ngập trong cơn bão Katrina. Phân nửa TP nằm dưới mực nước biển, do đó TP phụ thuộc vào mạng lưới đê và van điều tiết. Trong cơn bão Katrina, đê vỡ, nhiều khu phố bị ngập hoàn toàn. Trong 1.836 người chết ở Mỹ có 1.500 nạn nhân sống tại News Orleans.
Hiện thời đê ở TP News Orleans đã tiếp nhận khoảng 20 cm nước mưa. Tình trạng ngập cục bộ đã xuất hiện tại một số khu vực thấp từ hôm 3-9. Nước ngập đã được bơm ra đến hồ Pontchartrain ở ven TP.
Trung tâm Dự báo bão Mỹ ghi nhận bão Lee di chuyển chậm với vận tốc chỉ 7 km/giờ, do đó có thể thời gian mưa lớn sẽ kéo dài tại những vùng cơn bão đi qua. Thị trưởng TP News Orleans Mitch Landrieu cho biết hệ thống chống ngập của TP chỉ có thể tiếp nhận 2,5 cm nước mưa mỗi giờ.
Trong khi đó trên Đại Tây Dương, bão Katia đã suy yếu từ hôm 3-9. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo bão Mỹ không chắc bão có quay trở lại đất liền hay không.
Ngày 4-9, tâm bão Talas đã rời khỏi Nhật nhưng mưa lớn vẫn còn. Bão đổ bộ vào miền Tây nước Nhật từ hôm 3-9. Mưa lớn dẫn đến nước sông tràn bờ, gây lở đất ở đảo Shikoku và đảo Honshu. Đến nay đã có 20 người chết, hơn 50 người mất tích, 98 người bị thương. Đây là cơn bão thứ 12 trong mùa bão ở Nhật. 10 tỉ USD đã được chính quyền TP News Orleans (bang Louisiana) đầu tư tái thiết mạng lưới đê điều bị tàn phá nặng nề sau cơn bão Katrina năm 2005. Dù vậy, hồi tuần rồi, báo Times-Picayune ở News Orleans đã dẫn báo cáo của công binh đánh giá mạng lưới đê điều ở TP News Orleans gần như không an toàn. |
HOÀNG DUY (Theo AFP, AP, Reuters)