Từ đầu tháng 9, hàng loạt nước ở cả châu Á lẫn châu Âu oằn mình đối phó bão lũ hoành hành, gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn về cả người và tài sản. Song song việc khắc phục hậu quả, các nước khẩn trương lên phương án ứng phó trước các nguy cơ thời tiết có thể xảy ra sắp tới.
Bão lũ hoành hành khắp Á-Âu
Tờ The Global New Light of Myanmar dẫn thông tin từ Cơ quan Thông tin thuộc Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar cho biết rằng tính tới đêm 16-9 Myanmar ghi nhận 226 người thiệt mạng vì lũ lụt do bão Yagi gây ra, gấp đôi con số công bố trước đó một ngày. Ngoài ra vẫn còn 77 người đang mất tích. Lũ lụt cũng khiến gần 260.000 hecta lúa và các loại cây khác bị phá hủy.
Theo cơ quan này, lũ lụt đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng chục thị trấn trên khắp Myanmar, thuộc nhiều khu vực như Kayah, Kayin, Bago, Magway, Mandalay, Mon, Shan, Ayeyarwady và Naypyidaw. Hiện Myanmar đã thiết lập hơn 438 trại trú ẩn cho các nạn nhân lũ lụt. Bão lũ cũng gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng Myanmar, gồm: 159 tòa nhà văn phòng, 564 trường học, 96 công trình tôn giáo và 86 đoạn đường/cầu bị ảnh hưởng.
Theo tài liệu của Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Centre), Văn phòng Quản lý Thảm họa Quốc gia Lào (NDMO) cho biết rằng tính đến ngày 16-9 bão nhiệt Yagi mang lượng mưa lớn đã tác động trực tiếp đến 8 tỉnh, bao gồm thủ đô Vientiane, Phongsaly, Wangantha, Oudomxay, Ban Gao, Luang Prabang, Xayabouri và Xiangkhouang. Theo báo cáo mới nhất từ NDMO, khoảng 577 ngôi làng trên 34 huyện ở Lào đã bị ảnh hưởng, với tổng số 165.000 người dân bị ảnh hưởng. NDMO cho biết thảm hoạ đã khiến 4 người chết, 78 con đường, 58 trường học, 8 bệnh viện và 126 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khoảng 13.113 hecta đất nông nghiệp bị thiệt hại.
Tính đến ngày 16-9, Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết mực nước ở phần thượng lưu của lưu vực hạ lưu sông Mekong đã giảm, mực nước tại các trạm Luang Prabang, Vientiane (Lào), Chiang Khan và Nongkhai (Thái Lan) vẫn cao hơn mực nước lũ. Dự báo mực nước ở các khu vực này sẽ trở lại trạng thái bình thường vào ngày 19-9.
Tại Philippines, tờ The Inquirer dẫn số liệu từ Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines (NDRRMC) cho biết tính đến ngày 13-9, 797.000 gia đình (3 triệu người) chịu ảnh hưởng do bão Yagi. Về số thương vong, có 21 người thiệt mạng, 26 người mất tích và 22 người bị thương. Tính đến thời điểm báo cáo, 4.000 gia đình (15.000 người) ở Philippines phải di dời đến trung tâm sơ tán và 19.000 gia đình (50.800 người) di dời đến các nơi khác. Chi phí thiệt hại ước tính vào khoảng 46,59 triệu USD.
Sáng 17-9, Cục Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho biết áp thấp phía đông Aurora đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới Gener, với sức gió gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh 55 km/giờ giật 70 km/giờ. Dự báo có 24 địa phương ở Philippines sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới Gener (có khả năng mạnh lên thành bão trong vài ngày tới).
Một đồng nghiên cứu của 3 trường ĐH gồm ĐH Nanyang (Singapore), ĐH Pennsylvania và ĐH Rowan (Mỹ) công bố cho biết các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á hiện có xu hướng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và duy trì cường độ khi vào đất liền lâu hơn.
Những thay đổi này làm tăng rủi ro cho hàng chục triệu người ở các khu vực ven biển, trong đó các thành phố như Hải Phòng (Việt Nam), Yangon (Myanmar) và Bangkok (Thái Lan) phải đối mặt những rủi ro lớn từ những cơn bão kéo dài và dữ dội hơn.
Ngày 16-9, một cơn bão nhiệt đới tên Bebinca đã tấn công TP Thượng Hải (Trung Quốc), cơn bão mạnh nhất tấn công thành phố kể từ năm 1949. Theo kênh Channel News Asia, bão Bebinca khiến nhiều cây cối đổ sập, giao thông khu vực bị gián đoạn, và buộc hàng chục triệu người ở Thượng Hải và các khu vực lân cận cố thủ trong nhà tránh bão.
Cơ quan tin tức Thượng Hải cho biết cơn bão đã gây ra "thiệt hại đáng kể trên toàn thành phố", làm đổ hơn 1.800 cây xanh và khiến 30.000 hộ gia đình không có điện sử dụng. Theo cơ quan này, 414.000 người trên toàn thành phố đã được sơ tán đến những địa điểm an toàn và hàng chục nghìn nhân viên cấp cứu đã có mặt để tiện triển khai khi cần thiết.
Trong khi đó nhiều nước châu Âu cũng đang bị mưa lũ hoành hành. Theo hãng tin Reuters, cuối tuần rồi nhiều con sông ở Trung Âu đã tràn bờ vì lũ lụt kinh hoàng sau nhiều ngày mưa lớn, khiến ít nhất 10 người ở các nước thiệt mạng.
Tại Romania rất nhiều ngôi làng và thị trấn ở miền đông nước này bị ngập, cầu đường bị sập, nhà cửa bị nhấn chìm, 7 người chết.
Nhiều thị trấn trải dài từ Romania đến Ba Lan bị nhấn chìm hoặc bị ảnh hưởng nặng nề. Các cộng đồng biên giới giữa Ba Lan và CH Czech cũng bị ảnh hưởng nặng. Tại CH Czech, nước sông Morava dâng cao chỉ sau một đêm đã khiến 70% TP Litovel (một thành phố cách thủ đô Praha 230 km về phía đông với dân số gần 10.000 người) chìm trong nước và chính quyền buộc phải đóng cửa các trường học cũng như cơ sở y tế.
Gấp rút lên phương án ứng phó
Trước tình hình áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp có nguy cơ mạnh lên thành bão. Tại Philippines, PAGASA tư vấn cho người dân và các cơ quan quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản. Những người sống trong các khu vực được xác định là có nguy cơ cao hoặc rất dễ gặp những nguy hiểm (lũ lụt, lở đất) cần cảnh giác và theo dõi sát thông báo và hướng dẫn từ chính quyền địa phương.
Tại Myanmar, bên cạnh việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cần thiết và sơ tán các cộng đồng bị ảnh hưởng vì bão Yagi, chính quyền nhiều địa phương cũng đang theo dõi sát sao các biến động thời tiết để kịp thời phản ứng.
Tại châu Âu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan Czeslaw Mroczek cho biết chính phủ sẽ họp để cân nhắc ban bố tình trạng thảm hoạ. Thủ đô Bratislava của Slovakia và thủ đô Budapest của Hungary đều đang chuẩn bị ứng phó với tình huống nước sông Danube dâng cao. Tại Áo, các quan chức cho biết đang chuẩn bị ứng phó với đợt mưa lớn dự kiến sẽ trút xuống nước này trong tuần này.
Người dân nên theo dõi nguồn tin chính thống, tránh hoang mang
Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Centre) khuyến cáo người dân nên truy cập các nguồn tin chính thống để có được thông tin đúng, chuẩn về diễn biến thời tiết.
Theo AHA Centre, người dân nói chung và các đối tác nhân đạo thế giới được khuyến cáo theo dõi thông tin về các mối nguy hiểm và tác động của thảm họa từ các nguồn chính thức của chính phủ các nước, gồm: Văn phòng Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMO) Lào; Cục Quản lý Thiên tai (DDM) Myanmar; Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines (NDRRMC); Cục Phòng ngừa và Giảm nhẹ Thiên tai (DDPM) Thái Lan; và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (VDDMA) Việt Nam.
Ngoài ra, người dân cũng có thể truy cập thông tin cảnh báo sớm về điều kiện thời tiết và khí hậu thông qua các Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NHMS) của các nước thành viên ASEAN, chẳng hạn như: Cục Khí tượng Thủy văn (DMH) Lào; Cục Khí tượng Thủy văn (DMH) Myanmar; Cục Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) Philippines; Cục Khí tượng Thái Lan (TMD); và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam.