Ngày 16-9, Tòa phúc thẩm khu vực quận Columbia (thủ đô Washington, D.C) tổ chức phiên điều trần để lắng nghe ý kiến từ TikTok (thuộc sở hữu của ByteDance, Trung Quốc) và một nhóm nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội này liên quan luật buộc công ty mẹ ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok hoặc sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ, theo hãng tin AFP.
Phiên điều trần trên là chuỗi diễn biến mới nhất liên quan những thách thức pháp lý và số phận của TikTok tại Mỹ. Trước đó, hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật trong đó cho ByteDance thời gian 270 ngày để thoái vốn khỏi TikTok, nếu không TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ. Hạn chót cho ByteDance là ngày 19-1-2025.
Ngay sau đó, TikTok cùng một nhóm nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng này đệ đơn kiện chính phủ Mỹ về luật mới trên.
Tại phiên điều trần ngày 16-9, luật sư Andrew Pincus của TikTok nói rằng luật trên của chính phủ ông Biden là “chưa từng có và tác động của nó sẽ rất kinh ngạc”.
Các thẩm phán đã phản bác lập luận này, viện dẫn những vụ kiện trước đó trong hệ thống tư pháp Mỹ, bao gồm vụ kiện những năm 1980 về việc đóng cửa Văn phòng Thông tin Palestine ở Washington, D.C.
Đáp lại, luật sư của TikTok nói rằng việc “sở hữu nước ngoài không thể là lý do chính đáng, vì nó sẽ đảo ngược Tu chính án thứ nhất (bảo vệ quyền tự do ngôn luận)".
Ông Pincus nói thêm rằng việc chỉ coi sở hữu nước ngoài là tiêu chí để buộc phải thoái vốn "sẽ dẫn tới một sự thay đổi khá gây sốc ở đây", ám chỉ các công ty truyền thông nước ngoài khác như Politico, Al Jazeera và BBC.
Ông Pincus cũng đặt câu hỏi tại sao luật pháp Mỹ không nhắm vào các trang thương mại điện tử của Trung Quốc có quyền sở hữu nước ngoài, tương tự TikTok tại Mỹ.
Tại phiên điều trần, các thẩm phán cũng lắng nghe ý kiến của đại diện phía chính phủ Mỹ. Khi được hỏi về việc liệu TikTok có nên bị tước quyền tự do ngôn luận hay không, luật sư Daniel Tenny của chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng nội dung bị nhắm mục tiêu là thuật toán đề xuất có trụ sở tại ByteDance ở Trung Quốc, không phải do người Mỹ tạo ra và do đó, nó nằm ngoài phạm vi xem xét về quyền tự do ngôn luận.
“Thực sự không có tranh cãi nào ở đây rằng công cụ gợi ý [nội dung] được ByteDance duy trì, phát triển và viết ra, chứ không phải do TikTok tại Mỹ" - luật sư Tenny lập luận.
Nhận định về các lập luận trên giữa các bên tại phiên điều trần, các chuyên gia nói rằng các thẩm phán sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần đến vài tháng tới, nhưng bất kể quyết định của họ là gì, vụ kiện có khả năng sẽ được đưa ra Tòa Tối cao Mỹ.