Trái Đất trong năm 2024 tiếp tục chứng kiến những kỷ lục mới về nhiệt độ toàn cầu, đưa đến hệ quả là thời tiết cực đoan đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Báo cáo Khí hậu Toàn cầu vào tháng 8 của Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEI) cho thấy nhiệt độ bề mặt toàn cầu vào tháng 8 cao hơn 1,27 độ C so với mức trung bình 15,6 độ C của thế kỷ 20, phá vỡ kỷ lục 1,21 độ C của tháng 7 để trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1850.
Theo bản báo cáo, tháng 8-2024 cũng là tháng thứ 15 liên tiếp kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ và chuỗi 15 tháng nhiệt độ kỷ lục này hiện là dài nhất trong lịch sử, vượt quá khoảng thời gian 12 tháng từ tháng 5-2015 đến tháng 5-2016.
Hiện tượng nhiệt độ tăng cao kỷ lục cũng đang lan rộng và trở nên phổ biến trên khắp thế giới. NCEI cho biết châu Âu có tháng 8 ấm nhất trong lịch sử. Tại châu Á, Cục Khí tượng Nhật cho biết mùa hè năm nay là mùa hè nóng nhất kể từ khi các kỷ lục nhiệt độ cao lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1898 và ngang bằng với kỷ lục được thiết lập vào năm 2023, theo tờ The Guardian.
Hậu quả thiên nhiên
Nhiệt độ cao kỷ lục đang góp phần gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới. NCEI cho biết nhiệt độ đại dương toàn cầu - nguyên nhân chính tạo ra các cơn bão - đã lên mức cao kỷ lục trong 15 tháng tính đến tháng 7 năm 2024. Hậu quả là hàng loạt cơn bão mạnh xuất hiện nhiều nơi trên thế giới.
Tại châu Mỹ, bão Beryl hồi tháng 7 đã trở thành cơn bão cấp 5 xuất hiện sớm nhất trong số các cơn bão từng hình thành ở Đại Tây Dương, theo hãng tin Reuters. Cơn bão đã quét qua Jamaica, Grenada và đảo quốc St. Vincent và Grenadines, giết chết ít nhất 11 người ở Mexico và vùng biển Caribe trước khi đổ bộ vào bang Texas (Mỹ). Tại Mỹ, bão Beryl khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 1.300 chuyến bay bị hủy và hơn 2,7 triệu ngôi nhà cùng cơ sở kinh doanh bị mất điện.
Ở châu Á, các cơn bão mạnh cũng đã xuất hiện và gây ra nhiều thiệt hại. Tại Nhật, chính quyền đã phải phát cảnh báo khẩn cấp cấp độ 5 - mức cao nhất hiếm khi được đưa ra - vào ngày 29-8 khi siêu bão Shanshan quét qua đảo Kyushu ở phía nam nước này, theo Reuters. Siêu bão Shanshan cũng là cơn bão mạnh nhất trong năm 2024 của Nhật, làm 7 người chết và 5,2 triệu người phải đi sơ tán trên cả nước.
Nhiệt độ cao kỷ lục còn gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Chính quyền Ý đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp 2 lần vào tháng 2 và tháng 7 cho hai hòn đảo lớn nhất của nước này là Sicily và Sardinia, trong bối cảnh cả hai hòn đảo đã phải hứng chịu hạn hán với lượng mưa đặc biệt thấp và nhiệt độ rất cao trong 12 tháng qua, theo Euronews.
Tính mạng con người bị đe dọa
Những hậu quả nghiêm trọng do nhiệt độ cao và nắng nóng kỷ lục gây ra cũng ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe con người. Tờ The Guardian ngày 9-9 đã dẫn lại báo cáo mới nhất từ tập đoàn bảo hiểm Zurich và tổ chức phân tích kinh tế Mandala cho thấy ít nhất một nửa trong số 178 tài sản du lịch cùng 620.000 việc làm trong ngành du lịch của nước Úc đang bị đe dọa do nhiệt độ tăng cao.
Hậu quả về sức khỏe do nhiệt độ cao kỷ lục cũng có thể trở nên thảm khốc. Nắng nóng kỷ lục đã gây ra thảm kịch ở Saudi Arabia hồi tháng 6, khi hơn 1.300 người tham gia lễ hành hương Hajj của người Hồi giáo đến Thánh địa Mecca đã gục ngã và thiệt mạng, theo Reuters. Nhiệt độ tại Thánh địa Mecca khi đó đã vượt qua mức 51,8 độ C.
Đối với những nhóm dân cư đặc biệt dễ bị ảnh hưởng vì nắng nóng, như trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người làm việc ngoài trời, rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng thậm chí còn cao hơn. Theo báo cáo vào tháng 4 của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO), hơn 2,4 tỉ người lao động - tương đương 70% lực lượng lao động toàn cầu - có nguy cơ tử vong hoặc bị thương do nắng nóng kỷ lục.
Theo báo cáo của ILO, nắng nóng kỷ lục là “kẻ giết người vô hình, tác động ngay lập tức đến người lao động trong công việc, dẫn đến các bệnh như kiệt sức vì nóng, say nắng và thậm chí tử vong. Về lâu dài, người lao động sẽ mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng và suy nhược, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp cũng như thận”.
Nguyên nhân và dự báo
Tờ The Conversation trích dẫn một đánh giá khoa học về đợt nắng nóng gay gắt ở miền đông nước Mỹ vào tháng 6-2024, ước tính rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra khiến hiện tượng nắng nóng kỷ lục và kéo dài có khả năng xảy ra cao gấp hai đến bốn lần.
“Nhiệt độ cao ở châu Âu và Bắc Mỹ hầu như không thể xảy ra nếu không có tác động của biến đổi khí hậu. Ở Trung Quốc, khả năng xảy ra điều này cao hơn khoảng 50 lần so với trước đây” - trang tin World Economy Forum dẫn lời của ông Izidine Pinto, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan.
Ngoài ra, nắng nóng kỷ lục năm nay một phần còn do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, khi nó làm tăng nhiệt độ không khí trung bình trên toàn bộ bề mặt Trái đất, không chỉ trên Thái Bình Dương.
Hiện nay, Trái Đất đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa El Nino và La Nina. Do đó, dự báo nhiệt độ bốn tháng cuối năm có thể sẽ không nắng nóng kỷ lục như hầu hết năm rưỡi qua. Tuy nhiên, ông Carlo Buontempo - người đứng đầu Cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus của châu Âu - cho rằng năm 2024 vẫn có thể trở thành năm phá các kỷ lục nắng nóng trước đó, theo đài PBS.
Dự báo cũng cho thấy trong những thập niên tới, nhiệt độ tăng cao sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức cho con người, môi trường và kinh tế nói chung. Trang tin World Economy Forum dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS) cho thấy hơn 3,5 tỉ người sẽ cần phải thích nghi với nhiệt độ trên phạm vi được cho là thoải mái đối với con người trong thời gian tới.