Bạo lực học đường - Bài cuối: Chông chênh điểm tựa

Đã hơn ba tuần sau ngày bị chém nhưng em Lữ Văn Quý (học sinh lớp 10, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hóc Môn) vẫn chưa thể đến trường vì sợ bị chém tiếp.

Nạn nhân: Khủng hoảng sau bạo lực

Chị Đỗ Thị Thu Hương (mẹ của em Quý) cho biết: “Đến nay gia đình vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi từ phía những học sinh đã chém con mình. Chúng tôi cũng không muốn lớn chuyện. Chỉ cần Vương và Đạt (hai học sinh đã gây ra vụ hành hung) xin lỗi, hứa với gia đình tôi một câu để cháu có thể an tâm đến trường, học tập”.

Em Quý cho biết hiện tại vết thương của em đau nhức không đáng kể, tuy nhiên em vẫn sợ bị trả thù, sợ đến trường và mỗi khi nghĩ lại sự việc em lại cảm thấy rùng mình. Nếu hôm đó, những nhát chém từ mã tấu bổ thẳng xuống mặt em mà em không đưa tay ra đỡ được thì không biết giờ em còn sống nữa không. Có sống được, trên mặt cũng sẽ chằng chịt các vết thẹo.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, từ đầu năm tới nay tại TP đã xảy ra chín vụ bạo lực học đường. So với năm ngoái thì còn kém ba vụ. Tuy giảm về số lượng nhưng tính chất nguy hiểm (sử dụng hung khí) lại gia tăng. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận: “Việc để xảy ra tình trạng bạo lực học đường là một cái buồn, cái đau đối với ngành giáo dục cũng như của cả xã hội. Các em sau khi bị đánh thường không tránh khỏi những bất ổn trong tâm lý, gây ảnh hưởng xấu đến học tập, là những dấu vết không thể phai được trong tâm trí”.

Bạo lực học đường - Bài cuối: Chông chênh điểm tựa ảnh 1

Phụ huynh cần lắng nghe, chia sẻ với các em trong việc học tập và những chuyện riêng tư trong lứa tuổi mới lớn. Ảnh chỉ mang tính minh họa: HTD

Thủ phạm: Thiếu một điểm tựa

Nhiều học sinh đồn đại về “số má” của B. nên PV bất ngờ khi đó là một cậu học trò có gương mặt hiền lành, đượm buồn. Phải nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn, PV mới khơi gợi được sau bốn lần tiếp xúc. B. tâm sự: Nhà em thiếu tình cảm gia đình, mạnh ai nấy sống. Trong bữa ăn, mỗi người bưng một tô, không bao giờ ngồi cùng bàn với nhau. Nhà chỉ có hai chị em. Người chị định cư ở nước ngoài nên em ít có dịp để tâm sự. Còn mẹ em suốt ngày đi chùa, ba đi lái xe đông lạnh, mỗi tháng cũng chỉ ở nhà vài ngày. Ở trường, em khó có thể tìm được sự chia sẻ của các thầy cô. Em cho rằng các thầy cô không hiểu mình, ít quan tâm đến học sinh. Em đến trường chỉ là miễn cưỡng, mong kiếm được cái bằng để ra trường cho ba mẹ vui rồi đi du học như chị gái. Về nhà, em bị ba mẹ la mắng, đến lớp thì thầy cô không thích. Ba mẹ, thầy cô đều bắt ép: “Ba mẹ chỉ biết sai khiến, yêu cầu theo kiểu bề trên, chẳng bao giờ quan tâm em. Lúc có chuyện thì ba mẹ chỉ biết chửi thôi”.

B. kể nhiều lúc bức bối trong người, em thường lên mạng chơi những game bạo lực, tự tạo cho mình một nhân vật game giống với nhân vật ngoài đời mà mình ghét để hành hạ, trả thù. Mỗi lúc buồn, em hay tìm đến người bạn trong nhóm. Em không bao giờ tìm đến ba mẹ vì chẳng bao giờ có cơ hội để nói chuyện với nhau. Giờ em thấy mình bị nhiều thứ chi phối quá, vào học không tiếp thu được gì. Gia đình em cũng chẳng có ai làm hình mẫu để em noi theo cả. Hình mẫu của em là những người có sự nghiệp và một gia đình êm ấm. Còn em, nhiều lần bị vấp ngã chủ yếu là trong chuyện học hành, chẳng có ai nâng đỡ, vực dậy cả.

Đuổi học: “Con thú dữ được tháo xích”

TS Thạch Ngọc Yến - chuyên gia tâm lý lứa tuổi vị thành niên cho biết những trường hợp dẫn đến bạo lực, đa phần các em đều thiếu một điểm tựa từ phía gia đình, nhà trường. Những học sinh ngoan thường được thầy cô và gia đình yêu quý hơn. Đối với những học sinh cá biệt, các em thường không biết chia sẻ với ai hoặc nếu có chia sẻ với gia đình thường được bố mẹ cổ súy theo kiểu “thằng nào dám đánh mày”. Có trường hợp một học sinh bị đánh đã trình bày sự việc với cô giáo đã được cô giáo ấy trả lời tỉnh bơ: “Em quậy thế, nó đánh cho là phải rồi”, hoặc “Sao họ không đánh các bạn khác mà đánh em? Em phải xem xét lại mình chứ”. Với cách trả lời kiểu đó, thầy cô và gia đình thường không phải là điểm tựa để những em “quậy” có thể bày tỏ tâm tư.

Trong nhật ký của một “đại ca học trò” mà PV tiếp cận được, em viết: “Tôi cũng có những mơ ước cho riêng mình: mơ một trường đại học, một cuộc sống bình yên, công việc ổn định. Bạn bè lần lượt ra đi vì những lý do không đâu vào đâu do nhà trường và thầy cô áp đặt nhằm loại bỏ những ai chống đối. Thay vì dùng tấm lòng để cảm hóa những đứa thiếu thốn tình cảm như chúng tôi thì họ lại chọn phương pháp loại trừ. Nhưng đâu ai biết sau mỗi bản án đuổi học, lại có một con thú dữ được tháo xích”.

Ông Trần Khắc Huy cho biết: Bộ GD&ĐT có quy định rất rõ các hình thức kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm. Không nhất thiết cứ hễ các em vi phạm là sẽ bị đuổi học. phải xem mục đích của việc kỷ luật là để giáo dục, giúp học sinh nhận ra cái sai. Nếu vì muốn chấm dứt bạo lực học đường nên cách ly khỏi trường học thì các em còn hư nữa.

Theo ông Huy, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để có thể quản lý tốt những sinh hoạt, học tập, đặc biệt là những mâu thuẫn của học sinh, phát hiện sớm nạn băng nhóm. Việc các em thành lập các câu lạc bộ theo sở thích để phục vụ cho mục đích học tập, vui chơi, giải trí thì tốt. Nhưng nếu các em tụ tập thành nhóm để làm việc xấu, tiêu cực thì phải làm rã các nhóm này ngay từ đầu. Nếu không quan tâm kịp thời, việc xảy ra bạo lực học đường là đương nhiên.

Thêm điểm tựa bằng tư vấn học đường

Tại hội nghị sơ kết công tác tư vấn học đường do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức ngày 26-11, luật sư Đinh Thị Phụng, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói: Đôi khi mục đích của các tư vấn viên chỉ là lắng nghe. Nên tạo cho các em học sinh, phụ huynh một suy nghĩ rất bình thường, đến phòng tư vấn tâm lý như vào thư viện vậy. Đừng để họ mắc cỡ hoặc nghĩ rằng đến phòng tư vấn là có vấn đề.

TS tâm lý Đinh Phương Duy nhận định rằng công tác tư vấn học đường đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tư vấn học đường là cả một quá trình xuyên suốt giữa các tư vấn viên và người được tư vấn chứ không thể chỉ một lần gặp gỡ để “xin ý kiến” hoặc tìm vài lời mách bảo hay khuyên nhủ. Không chỉ đơn thuần là tư vấn ngay tức thời khi các em căng thẳng, mà qua đó phải tổ chức xây dựng các hoạt động xã hội để các em có một không khí vui chơi lành mạnh, bổ ích.

TS Thạch Ngọc Yến cho biết hiện tại chưa có cơ chế về việc trả lương, quản lý các phòng tư vấn học đường. Các tư vấn viên do đam mê nghề nên mới làm nên không xuyên suốt, các trường thuê lúc nào thì về tư vấn lúc đó. Vì vậy phải xác định rõ tư vấn học đường là trách nhiệm và là tâm huyết của các nhà quản lý giáo dục. Phải tổ chức đào tạo, tập huấn một cách chuyên sâu. Nếu Sở GD&ĐT tập trung xây dựng thành một trung tâm có mạng lưới liên kết, chỉ đạo xuyên suốt thì tư vấn học đường sẽ chuyên nghiệp hơn.

HÀN GIANG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm