Ngày 19-9, báo Pháp Luật TP.HCM đã có mặt tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, thay mặt bạn đọc của Báo và các mạnh thường quân, đại diện báo Pháp Luật TP.HCM trực tiếp trao gửi tấm lòng, sự hỗ trợ đến 31 hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 3 và hoàn lưu bão, với số tiền 10 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình.
Cả 31 hộ gia đình nhận được sự hỗ trợ đều do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Yên Bình giới thiệu, đề xuất. Trong đó, 16 hộ gia đình thuộc xã Tân Hương, 15 hộ còn lại thuộc xã Bảo Ái.
Những ngôi nhà biến mất
Sau bão số 3 và hoàn lưu bão, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại rất nặng nề về nhà cửa và tài sản. Mưa nhiều, sạt lở đất khiến 70 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, gần 200 căn nhà bị thiệt hại từ 30% trở lên.
Nằm đối diện hồ Thác Bà, phía sau là đồi trồng quế, căn nhà vừa mới xây xong phần thô với tổng kinh phí 350 triệu đồng của gia đình chị Nông Thị Yên, thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, đã bị sập đổ hoàn toàn sau trận sạt lở đất đêm 9-9.
Hiện, cả gia đình 4 người của chị Yên vẫn đang ở nhờ nhà người thân, mong mỏi đến ngày được địa phương sắp xếp đến nơi tái định cư mới.
“Gia đình tôi có bốn người, chồng tôi là shipper, là trụ cột kinh tế của cả nhà, nhưng hơn một tuần nay không làm được gì vì đường sá bị chia cắt, di chuyển rất khó khăn.
Hai vợ chồng dành dụm mãi mới dám xây nhà mới thì nay lại bị thế này, khoản tiền vay để xây nhà còn chưa biết phải tính thế nào thì giờ lại phải lo tìm chỗ ở mới chứ cũng không dám về đây ở nữa”, chị Yên chia sẻ.
Căn nhà của gia đình chị Yên là một trong 16 ngôi nhà trên địa bàn xã Tân Hương chịu thiệt hại nặng nề, không còn khả năng khắc phục sau trận sạt lở đất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.
Ở cách nhà của chị Yên khoảng 1km nhưng không thể đến bằng đường bộ vì đường bị chặn do sạt lở đất, ngập úng chưa rút, căn nhà của anh Lưu Cảnh Thăng bị ta luy phía sau di dời, đẩy cả căn nhà tiến về phía trước khoảng 10cm.
“Đêm ngày 9-9 mưa rất to, kèm theo sấm sét, cả nhà tôi không dám ngủ. Khoảng 11 giờ đêm, tôi thấy rung rung, vài giây sau thì đất đá ầm ầm đổ xuống. Cả nhà tôi chạy vội xuống thuyền trú rồi cả đêm nằm trên thuyền”, anh Thăng nhớ lại.
Hiện, căn nhà đã được anh Thăng loại bỏ bớt bùn đất để tìm đồ, mong muốn vớt vát chút tài sản.
Theo ông Bàn Văn Thêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, ngay sau khi người dân bị thiệt hại do mưa lũ, địa phương đã huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ bà con. Cùng với đó, được sự chung tay, giúp đỡ kịp thời của các cơ quan đơn vị, mạnh thường quân và đồng bào cả nước, người dân huyện Yên Bình cơ bản đã khắc phục được những khó khăn trước mắt để ổn định tinh thần, cuộc sống.
“Chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ, động viên, chung tay của báo Pháp Luật TP.HCM và bạn đọc của Báo đối với bà con huyện Yên Bình. Chúng tôi quyết tâm chia sẻ, đồng hành cùng bà con để sớm vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới”, ông Thêm nói.
Còn người là còn của
Theo ông Trần Ngọc Thương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương, huyện Yên Bình, 16 hộ gia đình trên địa bàn xã nhận được sự hỗ trợ của bạn đọc Báo Pháp Luật TP.HCM đều là những gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn, trong đó nhiều gia đình buộc phải di dời đến nơi ở mới.
“Nhiều gia đình rất khó khăn, vay mượn để xây nhà, chưa kịp ở thì nhà đã sập, cả căn nhà bị lũ quét trôi thẳng xuống hồ. Tài sản trong nhà của phần lớn các gia đình hầu như mất hết, không cứu vãn được đồ đạc gì. Có những ngôi nhà bị cả một quả đồi phía sau đổ ập xuống, may mắn là không có thiệt hại về người”, ông Thương cho hay.
Cũng theo lãnh đạo xã Tân Hương, người dân tại đây chủ yếu sinh sống dựa vào nghề nuôi trồng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Sau mưa lũ, toàn bộ diện tích hoa màu mất trắng, có những cánh đồng ngập nước 3-4 ngày trong khi chỉ một tháng nữa là thu hoạch được lúa, những đồi cây lâm nghiệp chuẩn bị được khai thác nhưng đều đã gãy đổ.
“Chúng tôi dự báo đến cuối năm nay và đến tháng 4 năm sau, địa phương sẽ bị thiếu lương thực, có nguy cơ thiếu đói. Bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra những mất mát rất lớn đối với địa phương, nhưng cũng rất may mắn vì không có thiệt hại về người. Chúng tôi tự động viên nhau rằng còn người là còn của”, ông Thương nói thêm.
Còn theo ông Nông Văn Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, trên địa bàn ghi nhận 15 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, 23 nhà bị hư hỏng từ 30% trở lên, đặc điểm chung của những ngôi nhà này là đều nằm dưới chân ta luy cao.
Sau khi xảy ra thiệt hại, xã Bảo Ái đã ngay lập tức huy động nguồn lực của địa phương để hỗ trợ những gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn và hư hỏng nặng, di dời, sắp xếp để người dân có nơi ở tạm thời mới. Cùng với đó, địa phương cũng triển khai cung cấp, tiếp tế nhu yếu phẩm, thực phẩm cho bà con để đảm bảo sinh hoạt, dần dần ổn định tinh thần.
Về việc xây dựng khu tái định cư cho bà con có nơi ở mới đảm bảo an toàn, lãnh đạo xã Bảo Ái cho biết đang tiến hành khảo sát và đã có báo cáo gửi cấp trên. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể, lâu dài. Kinh phí, nguồn lực cho khu tái định cư cần huyện, tỉnh lập phương án, báo cáo Trung ương rồi mới triển khai.
Trong thời gian trước mắt, địa phương sẽ sắp xếp nơi ở tạm để bà con yên tâm sinh sống.
“Hàng chục năm sống ở đây, tôi chưa từng thấy trận lũ quét, sạt lở nào lớn như trong những ngày qua. Là lãnh đạo địa phương, tôi cam kết rằng địa phương sẽ huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ bà con, hoàn thành khu tái định cư trong thời gian sớm nhất, kết hợp với các thôn khắc phục, ổn định tinh thần người dân.
Cùng với đó, xã Bảo Ái cũng đang lên kế hoạch xây những cung đường đất thành đường bê tông để bà con đi lại thuận tiện hơn, nhất là trong những ngày mưa lũ”, ông Bắc thông tin.