Có những biếm họa gây ấn tượng rất khó quên. Tôi vẫn nhớ một biếm họa trên Tuổi Trẻ cách đây chắc hơn 20 năm, vẽ một bệnh nhân được cáng ra xe cứu thương, ngoảnh lại nói với mẹ, đại loại rằng: “Má ơi, đừng lo, con sẽ sớm về nếu không bị kẹt xe!”. Một biếm khác, rất xưa, từ thời bao cấp, cũng trên Tuổi Trẻ, vẽ một cục gạch dựng đứng có cắm tờ giấy cuộn đặt bên vỉa hè, với chú thích: “Cây xăng nhỏ nhất thế giới”! Tờ Newsweek, hồi còn nằm trong Tập đoàn Washington Post Co, mỗi cuối năm đều tổng kết các sự kiện bằng loạt tranh biếm.
Theo từ điển bách khoa Britannica, biếm họa là sản phẩm của thời Phục hưng. Đầu thế kỷ 16, biếm họa bùng nổ ở Ý và sau đó lan rộng châu Âu. Đầu thế kỷ 19, biếm họa phát triển mạnh trong làng báo Mỹ. Từ “caricature” (biếm họa) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ động từ caricare (thêm vào, cường điệu) trong tiếng Ý và caricare dường như chịu ảnh hưởng từ chữ carattere (tiếng Ý, có nghĩa “nhân vật”) hay từ chữ cara (tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa “khuôn mặt”). Đó có lẽ là lý do tại sao khuôn mặt luôn là điểm khởi đầu của hầu hết biếm họa. Có ý kiến còn cho rằng do gương mặt những người nổi tiếng chạm trên đồng xu hay mề đay bị méo mó hoặc biến dạng theo thời gian cũng có thể là yếu tố hình thành phong cách vẽ biếm nhân vật. Việc vẽ biếm (được hiểu là miêu tả con người theo góc nhìn hài hước hoặc châm chích) thật ra có từ rất lâu trong lịch sử văn minh nhân loại.
Biếm họa nổi tiếng của họa sĩ Chóe trên báo quốc tế.
Người Ai Cập cổ từng vẽ con người dưới hình hài động vật và các nhà điêu khắc theo phong cách La Mã hay Gothic trong suốt thời Trung cổ cũng châm biếm hài hước những thất bại của con người bằng các bức vẽ trên tường hay khắc gỗ. Tuy nhiên, chỉ đến thế kỷ 16, thời của biếm mới thật sự bắt đầu khi những họa sĩ Ý Annibale Carracci và Gianlorenzo Bernini tạo ra các bức họa cường điệu nhiều nhân vật nổi tiếng. Vẽ biếm bắt đầu bùng nổ vào đầu thế kỷ 18 và vài họa sĩ như cây cọ Ý Pier Leone Ghezzi có thể kiếm sống hoàn toàn nhờ nghề “truyền thần” méo xệch. Tại Anh, Thomas Rowlandson trở thành một trong những người tiên phong trong làng biếm. Tất cả - từ công hầu đạo mạo đến diễn viên xinh đẹp - đều bị Rowlandson “vẽ nhọ bôi hề”. Người nổi tiếng nhất tại Anh thời điểm này là họa sĩ William Hogarth, không chỉ vẽ biếm mà còn đưa ra ý tưởng kể chuyện bằng tranh.
Trong cùng thời gian, Philibert-Louis Debucourt và đặc biệt Honoré Daumier tại Pháp cũng gây tiếng vang. Làng báo Pháp lúc này còn có tờ La Caricature chuyên về biếm họa. Còn Charlie Hebdo thì ra mắt năm 1970. Tại Anh, năm 1830 người ta tung ra tờ Monthly Sheet of Caricatures và sau đó là Punch. Đây cũng là lúc biếm họa trở thành món ăn khách trong làng báo Mỹ, đặc biệt trên tờ Harper’s Weekly. Tại Đức, tờ báo biếm Kladderadatsch thành lập năm 1848, cùng cạnh tranh với tờ Fliegende Blatter và Punsch. Đến đầu thế kỷ 20, gần như không tờ báo lớn nào ở châu Âu và Mỹ mà không có góc biếm họa.
Trên New York Times có Edwin Marcus và S.J. Woolf, Washington Post có Herbert L. Block, St. Louis Post-Dispatch có Daniel Fitzpatrick, Chicago Sun-Times có Bill Mauldin, Harper’s Weekly có Thomas Nast (cây cọ biếm huyền thoại làng báo Mỹ, người tạo ra biểu tượng con lừa cho đảng Dân chủ và con voi cho đảng Cộng hòa và cũng là người tạo ra hình ảnh ông già Noel như thấy hiện nay). Tại châu Âu đầu thế kỷ 20, Jean-Jacques Sennep (Le Figaro, Pháp) và Fritz Meinhard (Stuttgarter Zeitung, Đức) là những cây cọ biếm nổi tiếng. Vai trò của biếm ngày càng dấn sâu vào đời sống chính trị, khi các cây cọ chĩa mũi dùi vào giới chính trị gia tham nhũng, các chính sách đối nội-đối ngoại ngược ngạo và những vụ bê bối chính trường. Trong làng báo Việt Nam, Chóe là một tên tuổi lớn. Sau này có thêm nhiều tên tuổi mới…
Biếm rất độc đáo. Họa sĩ biếm là dân sáng tạo bậc thầy. Chỉ bằng vài nét vẽ, gần như toàn bộ nội dung vấn đề đã được thể hiện. Họa sĩ biếm là những thiên tài bình luận chính trị thời sự. Biếm tài là biếm có thể làm cười trong chua xót mỉa mai. Báo thiếu biếm như gái xinh không cười. Chán ngắt!