Vừa qua có chuyện khi công an đang điều tra hiện trường một vụ án mạng thì một số PV đến tác nghiệp. Dù PV tác nghiệp ở khu vực không có biển cấm, giăng dây... nhưng một PV đã bị công an đánh đến chảy máu miệng.
Xung quanh việc này, có ý kiến cho rằng công an nóng giận, hành xử sai vì sợ dấu vết hiện trường bị xáo trộn, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Bởi nó là chìa khóa đầu tiên mở bung tất cả cánh cửa của vụ án nhưng công tác này chưa được coi trọng và cũng chẳng có hướng dẫn, chế tài khi có người vô tình hay cố ý làm xáo trộn, thậm chí che giấu hiện trường…
Cười khóc với hiện trường bị xáo trộn
“Giữ được hiện trường mới phá được án” - Thượng tá Trần Văn Nghiệp, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM, khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều vụ án khi công an vào khám nghiệm thì hiện trường bị xáo trộn vì công tác bảo vệ hiện trường chưa tốt. Không chỉ người dân mà ngay cả lực lượng bảo vệ hiện trường cũng vô tình gây ra điều này.
Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý về cháy nổ Công an TP.HCM, cũng than: Với án cháy nổ thì hầu như hiện trường nào cũng bị xáo trộn do nhiều nguyên nhân như công trình bị phá vỡ, bà con và lực lượng chữa cháy vào dập lửa… Nếu án hình sự, điều tra viên dựa vào vân tay, đường vân, máu, đồ vật tài sản, dấu vết lạ, mẩu thuốc lá hút dở… thì điều tra vụ cháy thường tập trung vào nguyên nhân, chất cháy…
Theo ông Hà, người dân rất tò mò nên khi thấy cháy nổ, hỏa hoạn… nếu không giúp được gì thì tránh đi cho an toàn nhưng thường đứng lại nhìn. Có những người tranh thủ lúc bảo vệ vòng ngoài lơi lỏng là lẻn vào “ngó cái rồi đi”. Cũng có những trường hợp chủ nhà tiếc của nhảy vào đám cháy khi cảnh sát đang dập lửa, thậm chí có trường hợp người gây ra vụ cháy sợ bị truy trách nhiệm đã vào hiện trường xóa dấu vết, tạo hiện trường giả…
Ông Hà kể: Tháng 8-2016, xảy ra vụ cháy cơ sở sản xuất vàng mã ở quận 8 và đám cháy lan sang các hộ lân cận. Nguyên nhân vụ cháy là do chủ cơ sở hàn, cắt kim loại gây ra. Do sợ trách nhiệm, sáng sớm chủ cơ sở mời lực lượng bảo vệ đi ăn sáng rồi người này lẻn vào xưởng tháo bỏ giàn giáo, giấu máy cắt, máy hàn kim loại trong đống vàng mã. Khi công an quay lại khám nghiệm hiện trường đã không thấy những công cụ này. Thế nhưng chủ cơ sở không biết là lực lượng điều tra của Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM đã có mặt khi vụ cháy đang xảy ra. Cảnh sát đã quay phim, chụp ảnh toàn bộ hiện trường và các dấu vết, đồ vật trước khi tổ chức khám nghiệm. Vì vậy lực lượng điều tra phát hiện ngay sự thay đổi, xáo trộn hiện trường. “Điều tra ban đầu và bảo vệ hiện trường không tốt, không kịp thời sẽ rất dễ bị lạc hướng điều tra, thậm chí bế tắc khi điều tra một vụ cháy nói riêng và các vụ án nói chung” - ông Hà khẳng định.
Thường khi có vụ cháy nổ, án mạng, tai nạn… thì người dân hiếu kỳ, tò mò vào “dòm một cái”. Điều này vô tình làm nhiễu dấu vết, thậm chí xóa mất dấu vết vụ án. Cũng có thể hung thủ chưa kịp tẩu tán dấu vết nên tranh thủ lúc lộn xộn, quay lại trà trộn vào đám đông xóa dấu vết hiện trường. “Dân mình rất hiếu kỳ, phớt lờ cảnh báo. Cấm đường này thì lẻn vào đường kia dù đã chăng dây, bố trí người bảo vệ, nhắc nhở” - ông Hà nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, chỉ đạo việc điều tra hiện trường vụ thảm sát ở Quảng Ninh. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Phạm vi hiện trường: Khó cụ thể
Thượng tá Trần Văn Nghiệp cho hay: Phạm vi dấu vết hiện trường người dân không thể biết, chỉ những người có kỹ năng, được đào tạo cùng với sự mẫn cảm trong nghề mới có thể nhận ra. “Có giữ được hiện trường thì mới giữ được những dấu vết liên quan đến vụ án như hung khí, vật chứng, vân tay… do hung thủ, thủ phạm để lại vì bất kỳ vụ án nào cũng để lại dấu vết” - ông Nghiệp nói.
Hiện trường được bảo vệ nguyên vẹn, không bị xáo trộn, phá hủy sẽ phản ánh khách quan vụ việc, là cơ sở định hướng công tác điều tra chính xác và ngược lại. Cảnh sát nào cũng thuộc nằm lòng điều này nhưng có thực tế là việc xác định, khoanh vùng hiện trường lại phụ thuộc rất lớn vào nhận định ban đầu cũng như ý chí chủ quan của công an khi xác định đâu là hiện trường để bảo vệ.
Hiện các lực lượng chức năng thường thực hiện các biện pháp bảo vệ hiện trường như đặt biển báo cấm, biển báo chỉ dẫn, chăng dây, bố trí cán bộ không cho người không có trách nhiệm vào hiện trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ dấu vết, vật chứng…
Việc giữ khoảng cách đến hiện trường phụ thuộc vào từng vụ cụ thể với yêu cầu chung là phải đảm bảo cho hiện trường được giữ nguyên vẹn. “Khoảng cách đến các dấu vết và khu vực hiện trường là khoảng cách an toàn. Nếu khoảng cách ly đến khu vực khám nghiệm không đảm bảo, người hiếu kỳ hoặc đối tượng gây án có thể vứt đồ vật vào làm lạc hướng điều tra (vứt tàn thuốc, đồ dùng cá nhân của người khác...)” - Trung tá Lê Mạnh Hà nói.
“Công tác bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường vô cùng quan trọng nhưng bên cạnh chuyện người dân tò mò vô tình làm hỏng việc của công an còn có một nguyên nhân khác gây xáo trộn hiện trường, mất dấu vết là do lực lượng chức năng bảo vệ ban đầu không có kỹ năng nghiệp vụ gây nên” - một lãnh đạo Đội Đặc nhiệm hình sự Công an TP.HCM nói.
______________________
Kỳ sau: Ai được vào hiện trường; lực lượng nào bảo vệ hiện trường; chế tài nào cho người làm xáo trộn, thậm chí che giấu hiện trường cùng giải pháp cho việc này…