Do tình hình chính trị tại Tây Ban Nha đang lên cao trào, đặc biệt là vùng lãnh thổ tự trị Catalonia (có CLB Barcelona trực thuộc) đang đòi ly khai thành một quốc gia độc lập riêng rẽ đã ảnh hưởng đến cái tên CLB Barcelona rất nhiều.
Hành trình khó và “xương” của Barcelona
Tình hình căng thẳng đó không thể không ảnh hưởng, tác động tiêu cực lên tâm lý cầu thủ. Khi đội bóng của Messi đang chuẩn bị một lịch trình thi đấu đầy khó khăn cả giải quốc nội lẫn quốc tế với 5/6 trận sắp tới phải đá trên sân khách, đối đầu với Athletic Bilbao, Leganes, Valencia ở La Liga và Olympiakos, Juventus tranh Champions League. Chỉ có một trận trên sân nhà tiếp Sevilla trong khuôn khổ giải Tây Ban Nha mà thôi.
Quả thật đây là một thử thách lớn đối với tân HLV Valverde, tuy ông đã có bước khởi đầu hoàn hảo trên cương vị mới đến thay người tiền nhiệm L. Enrique. Thời gian đó thầy trò ông đã đạt chuỗi 12 trận thắng trong 13 trận ở đủ các giải, vượt lên dẫn đầu La Liga, hơn Valencia 4 điểm. Còn riêng tại Champions League thì Barcelona đang ở vị trí nhất bảng D, xếp trên Juventus với 3 điểm cách biệt.
Nhưng chặng đường trước mắt của họ không dễ dàng như thế bởi các đối thủ trong nước đều có hạng. Như Valencia hiện xếp nhì giải, Leganes hạng 5, Sevilla hạng 8 và Athletic Bilbao hạng 11. Trong đó Valencia được đánh giá có thế công hay nhất đã thắng sáu trận liên tục đủ các giải. Họ đã thắng bốn trong năm trận sân nhà và chỉ một hòa 0-0 trước địch thủ cứng cựa Atletico Madrid. Còn Leganes được xem là “hiện tượng” của giải khi hai mùa trước họ còn nằm hạng B. Riêng với Champions League mới ở bảng D, tuy Barcelona đã thắng Juventus trận lượt đi 3-0 song còn lượt về đến sân khách chắc chắn đối thủ “ngựa vằn thành Turin” (từng vào chung kết Champions League với họ năm 2015) đã giảm việc tổn thất lực lượng vì chấn thương nên sẽ quyết phục thù. Chẳng những thế, còn thêm đối thủ Olympiakos đến từ Hy Lạp vốn nổi tiếng có truyền thống thủ cứng, đá rắn hết sức khó chịu sẵn sàng đòi nợ lượt đi đã thua 1-3.
Messi và Barcelona trước vùng xoáy chính trị mang tên “vấn đề Catalonia”. Ảnh: GETTY IMAGES
Không đơn thuần bóng đá là bóng đá, chính trị là chính trị
Đáng chú ý, điều trùng hợp oái oăm là cả hai địch thủ quan trọng Athletic Bilbao lẫn Olympiakos đều từng dưới quyền của HLV Valverde đang dẫn dắt Barcelona. Riêng với Athletic Bilbao, HLV này từng đá vai tiền đạo rồi được đôn lên hai lần cầm quân thời gian 2002-2005 và 2013-2017. Qua đó ông đã giúp Athletic Bilbao đánh bại Barcelona trận chung kết Siêu cúp Tây Ban Nha 2015. Sau đó mới đến Olympiakos mùa 2007-2008 trước khi được mời về Barcelona. Cho nên ông buộc phải thừa nhận đây là hai trận khó khăn rất “đặc biệt” đối với ông, nhất là Athletic Bilbao cực mạnh khi được sự ủng hộ của khán giả trên sân nhà. Vì thế HLV Valverde đã cho con át chủ bài Messi cùng nhiều trụ cột nghỉ dưỡng sức trận tranh Cúp Nhà vua trước đó thắng Murcia 3-0.
Từ đó, trở lại “vấn đề Catalonia”, ông Valverde không muốn đề cập đến nhiều mà chỉ nói: “Mỗi người có trách nhiệm của mình. Với tôi bây giờ là Barcelona”. Riêng Chủ tịch J.M. Bartomeu đã tuyên bố trước đó rằng dù xứ Catalonia có tách ra khỏi quốc gia Tây Ban Nha thì đội của ông vẫn trung thành ở lại với La Liga vốn là giải bóng đá đã lập nên một truyền thống lớn hàng đầu châu Âu và cả thế giới.
Trên thực tế, vấn đề đó cũng được đặt ra với hai CLB đồng hương của Barcelona là Espanyol và Gerone cùng nằm trong giải La Liga hiện nay. Bởi nếu xứ Catalonia tách ra thành quốc gia độc lập thì liệu La Liga có đồng ý để những CLB khác ngoài Tây Ban Nha tham gia giải đấu của mình? Và đến lúc đó thì “siêu kinh điển” liệu có tồn tại?
Thật là nan giải!
Vấn đề tương tự với bóng đá Israel-Palestine Tình hình Israel nhiều năm nay chiếm đóng một phần lãnh thổ Jerusalem của Palestine đã đưa đến tình trạng nhiều cầu thủ Palestine chơi cho các CLB Israel tại đây thường xuyên bị gây khó dễ. Thậm chí bị cấm đi thi đấu các giải quốc tế và còn bị bắt giữ không duyên cớ! Liên đoàn Palestine đã khiếu nại lên FIFA, đồng thời yêu cầu có biện pháp kỷ luật đối với sáu đội bóng ở Israel có sử dụng cầu thủ Palestine và trả số cầu thủ này về lại cho Palestine. Tuy nhiên, FIFA tìm cách lảng tránh, viện lý do bóng đá không can thiệp vào chuyện xung đột chính trị. Chủ tịch G. Infantino trả lời sở dĩ có vấn đề trên là do những vấn đề mâu thuẫn chính trị phức tạp tại vùng “đất thánh” này đã xảy ra cả… 10.000 năm nay rồi thì làm sao một mình bóng đá có thể giải quyết nổi? |