Catalonia tuyên độc lập, Tây Ban Nha tước quyền tự trị

Ngày 27-10, Thượng viện Tây Ban Nha bỏ phiếu đồng ý cho chính phủ nước này viện đến Điều 155 trong Hiến pháp, tước quyền tự trị của vùng Catalonia. Trước đó chỉ vài phút, nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý tuyên bố độc lập.

Trong khi Thượng viện Tây Ban Nha dễ dàng thống nhất, thì thực tế 70 phiếu thuận/10 phiếu chống, 55 nghị viên từ chối bỏ phiếu tại nghị viện Catalonia cho thấy sự chia rẽ lớn trong nội bộ.

Hai cuộc bỏ phiếu - một của nghị viện Catalonia chọn độc lập, một của Thượng viện Tây Ban Nha kích hoạt quy định hiến pháp - đã đưa khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha lên đến cao trào.

Người dân Barcelona đổ ra đường ăn mừng trong khi nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý độc lập khỏi Tây Ban Nha. Ảnh: REUTERS

Người dân Barcelona đổ ra đường ăn mừng trong khi nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý độc lập khỏi Tây Ban Nha. Ảnh: REUTERS

Diễn biến tiếp theo sẽ rất khó khăn cho Catalonia. Một khi Điều 155 Hiến pháp được kích hoạt, điều trước nay Tây Ban Nha chưa từng làm, chính phủ trung ương sẽ nhanh chóng thay thế Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, ngưng hoạt động các cơ quan chính quyền, kiểm soát các lĩnh vực truyền thông, cảnh sát, tài chính. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha sẽ tuyên bố cuộc bỏ phiếu đồng ý độc lập của nghị viện Catalonia là bất hợp pháp. Và hầu như đa số nước ở châu Âu không công nhận Catalonia độc lập.

Diễn biến ở Tây Ban Nha khiến nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại khủng hoảng sẽ lan tràn khắp khu vực, đặc biệt khi các sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu và khủng hoảng tài chính Hy Lạp vẫn còn nóng.

Ngay sau khi nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý độc lập, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter: “Với EU chẳng có gì thay đổi. Tây Ban Nha vẫn là nước chuộng đối thoại. Tôi hy vọng chính phủ Tây Ban Nha sẽ chọn sức mạnh tranh luận, chứ không phải tranh luận về sức mạnh”. Lời ông Tusk phần nào phản ánh lo ngại chính phủ trung ương Tây Ban Nha sẽ huy động cảnh sát hay các biện pháp mạnh để kiểm soát vùng này.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhanh chóng làm rõ quan điểm của mình: “Catalonia là một phần không thể thiếu của Tây Ban Nha, và Mỹ ủng hộ các công cụ hiến pháp của chính phủ Tây Ban Nha nhằm giữ nước này vững mạnh và thống nhất”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm