Tôi đang làm cho một công ty tại TP.HCM và có ký hợp đồng lao động.
Năm nay, công ty yêu cầu mỗi phòng ban phải cử ra một người trực tại công ty trong những ngày tết âm lịch. Công ty ra thông báo nếu ai nằm trong danh sách mà không đi làm thì sẽ bị phạt tiền.
Cho tôi hỏi, trường hợp công ty bắt buộc người lao động đi làm vào những ngày tết thì có bị phạt không?
Bạn đọc VT, TP.HCM
Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời, tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết. Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong dịp tết nguyên đán là năm ngày.
Tại khoản 2, Điều 107 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động được sử dụngngười lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây: Phải được sự đồng ý của người lao động;
Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 40 giờ trong một tháng;…
Theo quy định trên, người lao động không bắt buộc phải đi làm ngày lễ, tết. Đồng thời, công ty chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu được sự đồng ý của người đó.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022, mức phạt vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Cụ thể, phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019.
Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.