Ngày 10-1, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án “yêu cầu mở thủ tục phá sản” giữa người yêu cầu là Công ty L và người bị yêu cầu là Công ty Đ.
Theo hồ sơ, ngày 4-5-2023, TAND tỉnh G nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty L đối với Công ty Đ.
Trước đó, giữa Công ty L và Công ty Đ có ký hợp đồng làm ăn. Sau đó, Công ty L khởi kiện yêu cầu Công ty Đ trả nợ số tiền gốc còn lại là hơn 14 tỉ đồng và tiền lãi.
Nội dung này đã được giải quyết theo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm ngày 7-6-2022 của TAND TP P, tỉnh G và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm ngày 8-2-2023 của TAND tỉnh G.
Tháng 3-2023, Chi cục Thi hành án dân sự TP P, tỉnh G ra quyết định thi hành án nhưng sau đó tạm đình chỉ do có Thông báo thụ lý phá sản ngày 25-7-2023 của TAND tỉnh G theo yêu cầu của Công ty L.
Ngày 9-10-2023, TAND tỉnh G ra quyết định tuyên bố mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đ. Không đồng tình, Công ty Đ có đơn đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh G.
Ngày 10-11-2023 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định chấp nhận yêu cầu của Công ty Đ, hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh G đối với Công ty Đ.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định phá sản đối với Công ty Đ nhưng chưa áp dụng đúng quy định và chưa đánh giá toàn diện vụ án.
Cụ thể, Công ty Đ hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động kinh doanh ở nhiều địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Về tố tụng, tòa án sơ thẩm không thành lập Tổ Thẩm phán đối với vụ án là không đúng theo khoản 1 Điều 31 Luật Phá sản và Điều 2 Thông tư 01/2015/TT-CA ngày 8-10-2015 của TAND Tối cao (quy định về quy chế làm việc của Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản) và không tổ chức phiên họp thương lượng giữa chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo khoản 1 Điều 37 Luật Phá sản.
Về đánh giá chứng cứ, việc thanh toán khoản nợ hơn 17 tỷ đồng mới được tuyên tại bản án phúc thẩm có hiệu lực vào tháng 2-2023. So với tài sản của Công ty Đ thì số tiền phải thanh toán là không lớn và Công ty Đ cũng đã lên phương án, lộ trình để trả nợ, đã thực hiện chuyển trả tiền 2 lần vào tài khoản Công ty L nhưng không chuyển được vì tài khoản bị khóa. Công ty Đ đã rất có thiện chí trong việc trả nợ.
Cạnh đó, thực tế, trước khi mở phiên họp xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản, Công ty Đ đã chuyển trả cho Công ty L 3 lần với số tiền 4 tỉ đồng và cam kết có lộ trình thanh toán nợ cụ thể. Tòa án cấp sơ thẩm đã không triệu tập phiên họp để kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đồng thời tạo điều kiện cho 2 công ty thương lượng trả nợ. Việc ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp lớn như Công ty Đ là gây ra thiệt hại lớn đến thương hiệu của Công ty; làm ảnh hưởng đối với hàng ngàn lao động tại địa phương.
Vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm đã hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh G, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế và xã hội.