Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 880 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15-3, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 2,74 tỉ USD.
Điện thoại và linh kiện tiếp tục duy trì vị thế số 1 với giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 10,2 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lũy kế đến hết ngày 15-3, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 50,29 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt 47,55 tỉ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với tổng giá trị đạt 11,03 tỉ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ 2019.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, các nền tảng vĩ mô của Việt Nam như tỉ giá, lạm phát vẫn đang được giữ vững. Các nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh.
Tăng trưởng sẽ được bù đắp từ cuối 2020 và năm 2021, khi hàng loạt các dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6,8% nhưng điều quan trọng là Việt Nam đã đẩy nhanh được việc tạo lập các nền tảng cho tăng trưởng cao trong tương lai.
Trước diễn biến các nước châu Âu và Mỹ đang tạm khóa đường biên gây lo ngại cho các doanh nghiệp phải tạm dừng xuất khẩu,TS Phạm Thị Thu Trà, Chủ nhiệm bộ môn kinh tế, Khoa kinh doanh và quản trị, ĐH RMIT
Việt Nam, cho rằng cú sốc cung này khó đối phó hơn. Do vậy, sẽ cần có các chính sách về phía cung. Để hạn chế tổn thất tiềm tàng, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này cần tích cực tìm kiếm một giải pháp nội bộ trước khi nhờ đến sự hỗ trợ của Chính phủ.
Thay vì mở rộng kinh doanh, đã đến lúc tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi thông qua chuyển đổi hoạt động, nâng cấp hệ thống quản lý tài chính và tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng mới. Cần chú ý rằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới cũng sẽ khá khó khăn do những xáo trộn trong chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn hiện nay và có thể là trong những năm tới nữa.
Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ đột phá hiện có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, fintech, blockchain và các công nghệ đột phá khác sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia, giúp nền kinh tế hồi phục trong trung và dài hạn.