Mới đây, Savills Việt Nam (công ty tư vấn bất động sản) cho rằng trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp sẽ "lên hương" nhờ lĩnh vực công nghệ cao và điện tử sẽ đón nhận mức đầu tư mạnh mẽ của các ông lớn về công nghệ trên thế giới.
Việt Nam là thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư ngoại
Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Ninh là tỉnh nổi bật về thu hút đầu tư. Theo Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh, năm 2023, thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp tại tỉnh đạt 1.104 tỉ USD (vượt 163,7% so với năm 2022).
Tỉnh này không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất và logistics mà còn từ các chủ đầu tư cho thuê trong nước và nước ngoài. Hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra sôi động trên toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực Yên Phong.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc là một thị trường đáng chú ý. Hiện tại, có nhiều hoạt động đầu tư đang diễn ra diễn ra tại đây và sẽ có thêm nhiều thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài khởi công dự án tại Vĩnh Phúc trong năm 2024.
Ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội nêu quan điểm: "Tỉ lệ sử dụng đất tại các tỉnh như Hưng Yên và Hà Nam đang cho thấy tín hiệu cực kỳ tích cực.
Giá đất cạnh tranh mở ra cánh cửa mới cho các quỹ đầu tư, giúp họ tận dụng sớm những cơ hội sinh lời hấp dẫn. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, vị trí gần thị trường tiêu thụ chính, thuận lợi tiếp cận cảng biển đi kèm cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện cũng là những yếu tố củng cố sức hút của khu vực này.
Trong thời gian sắp tới, các thị trường sẽ ghi nhận mức phát triển nổi bật về bất động sản công nghiệp sẽ là các tỉnh thuộc nhóm 2 nằm tại phía Nam của Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình. Những tỉnh này đã thu hút nhiều nhà đầu tư dệt may nhưng những tháng gần đây đã chứng kiến các khoản đầu tư đối với công nghiệp có giá trị cao hơn.
Đối với lĩnh vực thu hút được lượng đầu tư lớn tại các tỉnh phía Bắc, công nghệ cao và điện tử là lĩnh vực ghi nhận mức đầu tư liên tục từ các nhà cung ứng sản xuất cho các ông lớn về công nghệ trên thế giới.
Sự ký kết của các Hiệp định Thương mại Quốc tế, các chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ và bức tranh kinh tế tổng thể của Việt Nam là những thỏi nam châm thu hút đầu tư từ đa dạng các ngành nghề tới Việt Nam.
Về nhu cầu, nhu cầu của các doanh nghiệp khá đơn giản. Ví dụ, các doanh nghiệp chế xuất cần có cơ sở hạ tầng tốt để có thể tiếp cận cảng, biên giới và sân bay lớn, ưu đãi thuế hấp dẫn và vị trí gần các nhà cung cấp đối tác.
"Để có thể đầu tư bất động sản công nghiệp hiệu quả tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý những điểm sau: Thứ nhất, hiểu rõ quy trình cấp phép và thời gian nhận giấy chứng nhận đầu tư. Thời gian cấp phép có thể khác nhau tùy theo từng tỉnh, thành phố.
Thứ hai, nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh tuyển dụng. Việt Nam có thế mạnh về nhân công nhưng cũng có thể có những thách thức đối với lao động lành nghề ở một số khu vực nhất định. Thứ ba, tránh tự giới hạn bản thân bằng việc chỉ hợp tác với một hoặc hai chủ đầu tư dự án. Thay vào đó, các nhà đầu tư nên sử dụng dịch vụ của một công ty môi giới công nghiệp uy tín, có kinh nghiệm để có được góc nhìn tổng quan đầy đủ về thị trường, tiếp cận với mọi lựa chọn đầu tư tiềm năng và được hỗ trợ tất cả các phân tích kỹ thuật và bảo vệ lợi ích trong đàm phán thương mại", ông Thomas Rooney nói.
NHNN "ưu ái" cho dự án bất động sản công nghiệp
Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến hết năm 2023, cả nước có 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37.500 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24.700 ha.
Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục tăng bất chấp khó khăn của nền kinh tế. Tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 70%.
Trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 80% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 90%.
Tại miền Bắc, giá thuê trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 33% so với năm 2022. Bắc Ninh ghi nhận mức tăng giá lớn nhất, tăng 40% lên mức 160 USD/m2/chu kỳ thuê do có thêm nguồn cung mới chất lượng cùng với sự quan tâm của các doanh nghiệp công nghệ cao. Hải Phòng tăng 30% lên 125 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15% so với năm 2022.
Đánh giá về thị trường bất động sản khu công nghiệp trong thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: "Trong năm 2023, phân khúc bất động sản công nghiệp liên tục là điểm sáng từ đầu đến cuối năm với sự gia nhập của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đây là phân khúc duy nhất có mức giá tăng nhưng vẫn được đón nhận của khách hàng ngoại do mức độ hoàn thiện theo hướng ngày càng hiện đại, thông minh. Tuy nhiên, kết quả này chỉ đúng với các khu công nghiệp lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài".
Để thúc đẩy tín dụng đối với các dự án bất động sản công nghiệp, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 41/2016 quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1-7 năm nay.
Trong đó, Thông tư 22, NHNN quy định: “Hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Riêng trường hợp đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160%.”
Lý giải về việc giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với bất động sản khu công nghiệp từ 200% xuống còn 160%, NHNN cho biết: Mức hệ số rủi ro này tương đương với hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay chuyên biệt khác và thấp hơn các khoản cho vay dự án kinh doanh bất động sản. Điều này sẽ giúp khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực cho vay các dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.