Cấp bách khơi thông thị trường, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp bất động sản

(PLO)- Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản, tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1376 ngày 17-12 gửi các bộ, ngành nhằm yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản

Công điện yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.

Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Cần cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cần cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Không làm khó doanh nghiệp bất động sản

Đối với Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn từ thực tế và đồng bộ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Ngoài ra, Bộ TN&MT cần thành lập ngay các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng để giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Qua đó, Tổ Công tác xem xét, xử lý ngay các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Bộ TN&MT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ cho doanh nghiệp.

Vướng mắc lớn nhất của thị trường là gì?

Trước đó, tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với tín dụng bất động sản, NHNN chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực này mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro, ở đây là rủi ro kỳ hạn. Nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản.

"Các ngân hàng cân đối tính khả thi dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng. Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ pháp lý. Khi pháp lý thông suốt chắc chắn tín dụng cũng lập tức khơi thông."

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Do đó, bên cạnh sự đồng hành, quyết liệt triển khai giải pháp của ngành ngân hàng, Thống đốc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng quan tâm tháo gỡ khó khăn pháp lý.

Số liệu thống kê từ NHNN cho biết tính đến 30-9 năm nay, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm ngoái, chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Trên địa bàn TP.HCM, ông Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh thành phố cho biết thêm: "Kết thúc 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn thành phố đạt khoảng 925.000 tỉ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2022.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung cho nền kinh tế song quy mô dư nợ tín dụng bất động sản không thay đổi nhiều. Tín dụng bất động sản vẫn chiếm tỉ trọng 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm