Tín dụng tại TP.HCM tăng mạnh trở lại

(PLO)- Các ngân hàng cần tiếp tục tăng cường tín dụng cho vay nhưng không hạ chuẩn tín dụng, đồng thời cần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối năm và dịp cận Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán là giai đoạn mà nhu cầu tiền mặt, mua sắm, thanh toán, giải quyết công nợ cũng như bổ sung vốn dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường của người dân và doanh nghiệp tăng cao.

Tín dụng tháng 11 tại TP.HCM tăng mạnh trở lại

Ngày 18-12, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: "Đến ngày 30 -11 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.402.000 tỉ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước. Đây là một trong các tháng mà tín dụng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm (tháng 3/2023, tín dụng tăng 1,37%)".

Lý giải về nguyên nhân giúp tăng trưởng tín dụng trong tháng 11 cao hơn so với các tháng trước, ông Nguyễn Đức Lệnh, cho biết: Động lực chính giúp tín dụng địa bàn TP tăng mạnh trở lại chủ yếu đến từ 3 yếu tố dưới đây.

Thứ nhất, do yếu tố mùa vụ, nhu cầu vốn tín dụng dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch thường tăng cao. Trong đó, nhu cầu vay vốn phục vụ cho mục đích sản xuất, mua sắm hàng hoá, du lịch và dịch vụ của người dân tăng cao.

Tất cả yếu tố này đều kích thích sản xuất và tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Thực tế, chỉ tính riêng chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn mùa vụ năm 2023, doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỉ đồng, cho 24 doanh nghiệp. Trong đó, cho vay doanh nghiệp bình ổn thị trường đối với 13 doanh nghiệp; doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm 11 doanh nghiệp.

Với lãi suất cho vay thấp, khoảng từ 4%- 6%/năm, giúp doanh nghiệp giảm giá thành, giữ ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng dịp cuối năm.

Thứ hai, việc NHNN điều chỉnh và phân bổ hạn mức tín dụng phù hợp có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện khai thác tốt tính chất mùa vụ cuối năm.

Thứ ba, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục được tổ chức triển khai thực hiện tốt, thực chất và đi vào chiều sâu. Năm 2023 đã tổ chức 32 hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, số tiền giải ngân gói hỗ trợ đạt 120% quy mô gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia từ đầu năm.

Ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất cho vay.

"Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã được hưởng chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, cơ cấu lại nợ… lên tới 162.000 doanh nghiệp. Điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định và tăng trưởng, qua đó không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn", ông Lệnh nói.

Nhằm san sẻ những khó khăn về nguồn vốn với khách hàng, Sacombank triển khai nguồn vốn mới tăng tốc sản xuất kinh doanh 10.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 – 12 tháng, gói vay triển khai đến hết ngày 31-1-2024.

Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với gói 15.000 tỉ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn chỉ từ 6%/năm kỳ hạn 1 – 3 tháng, 6,5%/năm kỳ hạn 4 – 6 tháng, triển khai đến hết ngày 31-1-2024. Đối với gói 10.000 tỉ đồng phục vụ đời sống, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 6 tháng đầu xuống còn 6,5%/năm hoặc cố định trong 12 tháng đầu 7,5%/năm, triển khai đến hết ngày 31-12-2023.

Tương tự, nhằm kích cầu tín dụng, thúc đẩy kinh tế phát triển và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong những tháng cuối năm, KienlongBank vừa tung ra gói tín dụng đáp ứng các nhu cầu vay vốn để mua bất động sản, ôtô, xây sửa nhà, bổ sung vốn, đầu tư tài sản để sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chi phí du học; sản xuất nông nghiệp… Lãi suất vay chỉ từ 7,6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và từ 7,9%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn.

Nhà băng nào chèn ép người vay sẽ phải chịu trách nhiệm

Mới đây, trong chuyến công tác tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tại đây, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, Võ Văn Thanh cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cầm chừng, thậm chí thu hẹp, hoạt động ngân hàng còn chịu thêm tác động từ áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiền vay có chiều hướng giảm nhưng không như kỳ vọng.

Tuy nhiên ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực giảm lãi suất (cho vay ngắn hạn giảm 2,55%/năm so với đầu năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 2,83/năm so với đầu năm), tích cực triển khai các chính sách tín dụng nên cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục tập trung tín dụng, tăng cường tín dụng cho vay nhưng không hạ chuẩn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn. Đồng thời, cần giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm chi phí, chủ động tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại phải tự tổ chức gặp gỡ khách hàng chứ không ỷ lại vào NHNN, các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng phải chủ động tổ chức gặp gỡ khách hàng, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Khách hàng phản ánh chi nhánh ngân hàng thương mại nào gây cản trở, khó khăn thì chi nhánh ngân hàng thương mại đó phải chịu trách nhiệm”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm