Ngày 17-11, Báo Dân trí tổ chức hội thảo “Tháo van tín dụng khơi thông tăng trưởng”, cập nhật về kết quả tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM.
Tại đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng TP.HCM đạt 4,67% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước. Xét về số tuyệt đối chiếm tỉ trọng tương đương 27% so với cả nước.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
"Từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết nhu cầu vốn tăng cao, ngân hàng thương mại duy trì đảm bảo nhu cầu vốn dịp Tết, cho vay ngắn hạn doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm giá thành khoảng 9.000 tỉ đồng, cho vay qua doanh nghiệp kênh phân phối tiếp cận nguồn vốn giá rẻ…" - ông Lệnh nói thêm.
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định: Hiện dư địa để giảm lãi suất cho vay đã cạn, không phải do áp lực từ lạm phát mà chủ yếu vấn đề tỉ giá. Chúng ta không thể để VND mất giá, vừa để giữ chỗ cho tỉ giá "phát triển", đảm bảo thanh khoản. Nếu tỉ giá mất quá, không chỉ là dòng tiền mà bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận mức độ mất giá nhưng không thể quá cao.
Tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14% mà do doanh nghiệp đang khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm, cộng thêm với tiêu chuẩn của người đi vay khó đáp ứng được so với yêu cầu của các ngân hàng thương mại... Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ bằng nhiều phía từ giảm thuế VAT, kích cầu thị trường du lịch, tăng giải ngân đầu tư công, thu hút đầu vốn từ nước ngoài…
Có một thực tế hiện nay là thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại rất dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn.
Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank, để không bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp cần tránh bị mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn. Đáng chú ý là doanh nghiệp không để khoản vay rơi vào tình trạng nợ quá hạn. Bởi khi khoản vay bị nhảy nhóm nợ, thì việc tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ vô cùng khó khăn.