Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp không dám vay

(PLO)- Chưa bao giờ, doanh nghiệp khó khăn như bây giờ nên lãi suất giảm thấp hơn nữa cũng không dám vay. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Lãi suất giảm thấp hơn nữa cũng không dám vay". Đó là phản ánh chung của các doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên, vừa diễn ra tại Đắk Lắk.

Ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến hết tháng 9 vừa qua đạt khoảng trên 508.000 tỉ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 (toàn quốc cuối tháng 9 tăng 6,92%) và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực.

Số liệu trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực Tây Nguyên.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nói chung và tại khu vực Tây Nguyên vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm nhỏ và vừa (DNNVV).

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...). Trong khi đó, các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống cũng khiến tín dụng khó tăng như mọi năm.

trai-phieu-doanh-nghiep.jpeg
Hạ chuẩn tín dụng sẽ gây nguy cơ mất an toàn hệ thống.

Ngoài ra, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng… cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Khó khăn chồng khó khăn, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên những khó khăn của nền kinh tế thế giới tác động tình hình chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xuất nhập khẩu khó khăn, đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nhiệp hiện chỉ sản xuất cầm chừng... Có thể nói chưa năm nào doanh nghiệp phải vật lộn với khó khăn như năm nay.

Cần có gói tín dụng riêng cho ngành cà phê

Thời điểm này tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7% trong khi năm 2022 là đạt 10%... Nhiều doanh nhiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay vì vay không để làm gì.

Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh, đại diện cho Công ty Xuất Khẩu Cà Phê Vĩnh Hiệp Gia Lai cho biết: "Ngành cà phê đóng góp trên dưới 30% GDP của các tỉnh Tây Nguyên, là nguồn sinh kế quan trọng của người dân khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng"- bà nói.

Cũng theo bà Lan Anh, các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn. Do đó, hiện các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu.

Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.

"Chúng tôi đã có hơn 25 năm quan hệ tín dụng với ngân hàng, nhưng đến nay vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện cấp tín dụng, chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì mới được tăng hạn mức cho vay. Điều này thật sự không phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu và cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội so với doanh nghiệp nước ngoài_- bà Lan Anh phản ánh.

Từ đó, bà đề nghị các ngân hàng thương mại cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo ngành nghề, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê. NHNN xem xét bổ sung gói tín dụng cho ngành cà phê với lãi suất ưu đãi trong thời gian dài, đồng thời có chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa). Đề nghị xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp. Đề nghị xem xét cho vay dựa trên uy tín của doanh nghiệp, uy tín người mua và bảo hiểm tiền phải thu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm