Tín dụng đen hoành hành cuối năm

(PLO)- Vì túng quẫn nên nhiều người tìm đến các tổ chức tín dụng đen. Khi không có khả năng chi trả, nhiều người đã trở thành “cò” tín dụng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào những ngày cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động khiến nhiều công nhân bị giảm giờ làm, rơi vào cảnh thất nghiệp thì cũng là lúc lực lượng tín dụng đen hoạt động mạnh.

“Cắn răng” đi vay lãi suất cao

Chị Hoa (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) là công nhân may nhưng đã nghỉ việc do mấy tháng gần đây công ty không có đơn hàng. Chồng chị Hoa làm thợ sơn nhưng công việc bấp bênh nên đã chuyển sang làm xe ôm công nghệ. Bi kịch là chiếc xe máy - phương tiện có giá trị nhất của anh chị cũng bị trộm lấy mất. Không có người thân để có thể vay mượn, vợ chồng chị Hoa quyết định vay trả góp để mua chiếc xe máy cũ làm “cần câu cơm”.

“Vay tiền lãi quá cao nhưng giờ tình thế của mình như vậy nên đành “cắn răng” chấp nhận. Gần hết năm rồi mà nợ cứ chồng nợ, không biết đến khi nào mới thoát khỏi cảnh như bây giờ” - chị Hoa buồn bã nói.

Tương tự, trong một lần cần tiền phải tìm đến nhóm đối tượng tín dụng đen, Hoàng giấu vợ lấy giấy tờ nhà vay 170 triệu đồng. Lãi suất 10 ngày đầu là 10.000 đồng/ngày/triệu, sau đó là 5.000 đồng/ngày. Đến khi không có khả năng trả, Hoàng phải trốn đi nơi khác. Vợ con Hoàng cũng phải đi ở nhờ nhà người quen, không dám về nhà bởi mỗi ngày đều có người đến khủng bố, đe dọa để đòi nợ.

tín dụng đen
Anh Nam trầm ngâm khi kể về chuyện con trai trốn nhà vì nợ tín dụng đen. Ảnh: HẢI YẾN

Anh Nam (ngụ quận 12, TP.HCM) làm nghề tự do, vợ anh làm công nhân ở khu công nghiệp nhưng bản thân lại đau ốm nên thu nhập không ổn định. Cách đây không lâu, con trai anh lỡ vay nóng bên ngoài và qua app quảng cáo trên điện thoại. Lãi mẹ đẻ lãi con, giờ đành bất lực vì không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi “vòng xoáy” này.

“Nó vay qua app điện thoại gì đó, mấy cái app lận. Giờ không có tiền trả, nó cũng bỏ nhà đi để trốn nợ. Ngày nào tui cũng bị nhiều số điện thoại gọi đến để đòi nợ. Năm nay chắc nhà tui không có Tết” - anh Nam nghẹn giọng bộc bạch.

“Hoa hồng” cao ngất khi giới thiệu người vay

Bằng (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM - tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết bản thân trước đây cũng nhiều lần phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, có khi lên đến 40%/tháng, tương đương gần 500%/năm.

“Có lúc túng quẫn quá, em đành chấp nhận bốc bát họ (hình thức trả góp theo ngày) thì lãi suất tương đương 50%-60%/tháng” - Bằng nói.

Hiện Bằng làm dịch vụ giới thiệu nhà đất, đáo hạn thẻ ngân hàng cho “người anh xã hội” (theo lời Bằng kể). Khi ai có nhu cầu vay thì Bằng cũng hỗ trợ, giới thiệu cho vay. “Tùy vào mối quan hệ, em sẽ lựa chọn nơi cho vay. Mỗi lần giới thiệu, tùy vào số tiền vay, em cũng có được khoản “hoa hồng” cho phí giới thiệu, thường sẽ 10%-20% tùy vào số tiền cho vay” - Bằng kể.

Theo Bằng, có hai cách để vay. Một là nếu khách vay 50 triệu đồng thì bên cho vay sẽ cắt lời 10 ngày, hết 10 ngày thì khách hàng thanh toán hoặc đóng lời tiếp 10 ngày. Hai là mượn 50 triệu đồng, góp hằng ngày trong đó có cả gốc và lãi, dao động sẽ là 15 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 50 triệu đồng trong 22 ngày.

Bằng cho biết một số người bạn cũng vì vướng vào nợ nần đã chuyển sang giới thiệu người vay qua app để hưởng “hoa hồng” bởi nếu giới thiệu người vay thành công thì trung bình 10 triệu đồng cho vay sẽ được 1-1,5 triệu đồng tiền “hoa hồng”.

Cần hết sức thận trọng khi vay

Tín dụng đen để lại nhiều hậu quả cho người vay và xã hội. Tuy nhiên, để xóa sổ tín dụng đen đang ngày càng biến tướng như hiện nay thì cần phải có khung pháp lý và mức chế tài thật nặng mới đủ sức răn đe.

Theo luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận, không được vượt quá 20% của khoản vay đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Khi thực hiện việc vay và cho vay thì bản chất là thỏa thuận giữa các bên nên rất khó xử lý. Thực sự để xóa sổ tín dụng đen thì ý thức của người dân là quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi khó khăn thì họ bất chấp lãi nặng để vay nên rất khó ngăn chặn. Vì vậy, chính quyền cần tuyên truyền cho người dân, đồng thời các ngân hàng chính sách phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động được vay trong lúc khó khăn mới mong xóa tín dụng đen.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Lê Văn Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trong tình hình kinh tế khó khăn, tình trạng quảng cáo cho vay trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, các app không liên kết với các đơn vị có uy tín, các tổ chức tín dụng và đánh lừa người vay bởi các lời mời chào lãi suất thấp. Tuy nhiên, sau đó yêu cầu người vay phải đóng các khoản phí để được giải ngân… Vì vậy, khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi vay tiền thông qua các app để tránh những hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tại hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30-11, Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết tình hình tội phạm TDĐ diễn biến phức tạp. Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tham mưu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Theo cơ quan CSĐT, trong năm 2023 cơ quan này đã khởi tố 538 vụ án với 944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ với 396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ với 772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm