Tại buổi tọa đàm "Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới" do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (13-10), lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành đều cho rằng việc sửa đổi Quyết định 60 về tách thửa là cần thiết. Điều này sẽ gúp gỡ hàng loạt khó khăn và vướng măc cho cả chính quyền và người dân.
Than trời vì vướng quy hoạch
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31-10-2019, toàn thành phố có 5.711 hồ sơ xin tách thửa và đã giải quyết.
Tuy nhiên, trên thực tế theo ghi nhận của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, toàn thành phố có hơn 14.000 ha đất nằm trong quy hoạch “đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. Điều đó có nghĩa hiện vẫn còn hàng ngàn hộ dân, cá nhân có nhu cầu tách thửa nhưng quyền lợi hợp pháp này chưa được giải quyết”.
Đem câu chuyện thực tế của mình đến tọa đàm, bà Vũ Thị Thanh Hà, một người dân quận Thủ Đức, chia sẻ: "Gia đình tôi có miếng đất diện tích 150 m2 ở đường 34 Linh Đông, Thủ Đức, đủ điều kiện tách làm hai lô đất chia cho các con. Thế nhưng nhiều năm nay vẫn không thể chia tách được vì đất thuộc đất dân cư xây dựng mới.
Trong khi hai khu đất gần đó được cấp phép xây dựng lâu dài thì đất nhà tôi lại chỉ được cấp phép xây dựng tạm kèm theo cam kết tự tháo dỡ khi cần. Những bất cập trong quy định của Quyết định 60 thật sự khiến chúng tôi vô cùng khó khăn. Nỗi khổ đó kêu trời không thấu".
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Kha, cư dân quận 9 cho biết mình có miếng đất ở phường Trường Thạnh, quận 9 không thể tách thửa bởi theo Quyết định 60 thì khu đất này thuộc khu dân cư xây dựng mới.
Đến nay, khu đất của ông đã có nhà nhưng muốn đầu tư đường vào nhà chưa được giải quyết vì lý do hồ sơ giải quyết đường giao thông vào nhà khi nào được tách thửa thì mới được lập.
Chia sẻ về câu chuyện của chính mình, LS Nguyễn Văn Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: "Gia đình tôi đang sở hữu khu đất rộng khoảng 500 m2 có nhu cầu làm hạ tầng, tách thửa để dễ bán nhưng không làm được do đất thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới.
Trong khi đó, nhiều miếng đất kế bên đã được chủ đất bán theo dạng giấy viết tay, người mua cũng tự xây nhà theo kiểu. Có thể nói, việc hạn chế tách thửa trên chính quyền lợi của người dân sẽ kéo theo các hệ lụy như xây dựng không phép, trái phép, hoặc mua bán nhà theo hình thức giấy tay vì cho dù không được tách thừa thì nhu cầu thực tế vẫn có".
Sẽ sớm gỡ nút thắt
Theo ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý thực hiện quy hoạch Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, việc rà soát quy hoạch được thực hiện thường xuyên, định kỳ.
Hàng năm, Sở đều có văn bản đốc thúc các quận, huyện thực hiện rà soát theo các quy hoạch để báo cáo. Sở có kế hoạch tổng rà soát nhưng cần phải có con số, trường hợp, vị trí cụ thể để báo cáo và quận huyện phải có đề xuất để điều chỉnh.
"Quy hoạch là ý chí của người quản lý nhưng đánh giá theo thực tế thì phải từ báo cáo của các quận huyện. Dựa vào các đánh giá, rà soát của các quận huyện, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ thẩm định và trình thành phố điều chỉnh.
Riêng điều kiện để tách thửa theo Quyết định 60 thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Quy hoạch Kiến trúc không có ý kiến hạn chế mà chỉ nêu ý kiến là không cho tách thửa với trường hợp không thuộc đất quy hoạch nhà ở mà không có khái niệm đất hỗn hợp hay đất xây dựng mới" - ông Phong nói thêm.
Làm rõ hơn, ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng quản lý đất - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết TP đã nhiều lần đốc thúc cơ sở báo cáo vướng mắc gặp phải trên thực tế để điều chỉnh quy định tách thửa theo Quyết định 60.
Hiện nay, các quận, huyện, ban ngành đã thực hiện xong phần báo cáo và Sở Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 60. Dự kiến trong tháng 10 sẽ gửi cho các đơn vị để lấy ý kiến đóng góp. Sau đó sẽ trình UBND TP để điều chỉnh trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ về định hướng sửa đổi, ông Quang thông tin thêm: "Sửa đổi Quyết định 60 phải đáp ứng song song hai yêu cầu. Đó là đáp ứng được yêu cầu của người dân khi có nhu cầu tách thửa và đồng thời phải đáp ứng được việc quản lý của Nhà nước trong quy hoạch phát triển đô thị."