Ép khách ký hợp đồng
Thống kê của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng các sàn giao dịch bất động sản đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tại TP.HCM, năm 2010 chỉ có 123 sàn thì đến đầu tháng 9 – 2016 đã có 464 sàn giao dịch bất động sản hoạt động.
Thông thường, khi chủ đầu tư làm dự án sẽ ký kết với các sàn để tung sản phẩm ra thị trường. Khách hàng muốn mua căn hộ, nhà đất sẽ làm việc với các sàn bất động sản. Sau đó mới ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Điều đáng nói, nhiều chủ đầu tư dự án buông lỏng quản lý, để các sàn thổi giá, tư vấn thông tin sai lệch cho khách hàng.
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát ký hợp đồng phân phối độc quyền 130 nền đất tại dự án Gold Hill ở Trảng Bom, Đồng Nai với Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát hồi tháng 6.
Chỉ 2 tháng sau, đã có 4 khách hàng tìm tới Long Kim Phát tố cáo Kim Phát tự ý nâng giá bán đất nền, thu tiền mua đất của khách hàng, không giao hợp đồng mua bán…
Anh N.Đ.L. quê ở Nghệ An cho biết, tích cóp hơn 10 năm trời mới được 400 triệu đồng. Mong có chỗ ở ổn định, anh L. tìm mua đất và được môi giới của Kim Phát nói dưới Đồng Nai có lô đất chỉ 299 triệu đồng. Xuống tận nơi coi đất, anh mới được môi giới nói lô đất này có giá cao gấp đôi so với ban đầu.
Nạn nhân của Kim Phát tố sàn môi giới này nâng giá, kêu giang hồ ép khách hàng ký hợp đồng
Nghe tư vấn, anh L. đi rút 20 triệu đặt cọc và bị Kim Phát nâng giá lô đất GHL.016.21, dự án Gold Hill lên 152 triệu đồng bằng cách yêu cầu khách hàng ký vào hợp đồng Tư vấn chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giá lô đất GHL.016.21 mà anh L. ký với chủ đầu tư chỉ có 438 triệu đồng nhưng thực tế phải gần 590 triệu đồng.
“Khi đóng cho Kim Phát được 290 triệu đồng, chúng tôi được mời qua Long Kim Phát ký hợp đồng. Lúc này, tôi mới biết số tiền mua đất thấp hơn nhiều so với giá của Kim Phát đưa ra. Hai vợ chồng quay về Kim Phát nói chuyện, van xin họ trả lại tiền nhưng họ không chịu.
Long Kim Phát lại nói đó là việc giữa chúng tôi và Kim Phát nên không giải quyết. Sợ mất 290 triệu đồng nên hai vợ chồng đành ký vào hợp đồng mua bán với Kim Phát, coi như mình xui xẻo và mất trắng 152 triệu đồng cho Kim Phát”, anh L. nghẹn ngào.
Anh T.H.Đ. ở Vũng Tàu mua lô đất GHL.22A.14 tại dự án Gold Hill cũng bị Kim Phát nâng giá gần 100 triệu đồng. “Khi biết giá của lô đất thấp hơn nhiều so với giá Kim Phát đưa ra, tôi không chịu ký vào hợp đồng thì bị 3 – 4 nhân viên của công ty Kim Phát đứng xung quanh đe dọa, kêu giang hồ ép tôi ký vào hợp đồng”, anh Đ. Nói.
Đến nay, đã có cả chục nạn nhân làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng để tố cáo Kim Phát và mong muốn được nhận lại số tiền mà sàn môi giới này đã thổi giá. Tổng số tiền Kim Phát chiếm giữ của khách hàng hiện lên đến cả tỷ đồng. Đây mới chỉ là số tiền của những khách hàng dám ra mặt tố cáo, ngoài ra còn nhiều khách hàng không dám lên tiếng vì bị doanh nghiệp này "dằn mặt" bằng tin nhắn hoặc đến tận nhà "làm phiền".
Công ty Kim Phát cũng môi giới cho dự án The Mall City ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ngày 20 – 6, ông L.V.H. ở quận Bình Thạnh có đặt cọc cho Kim Phát để mua lô đất G8 sau khi nghe tư vấn, công ty đảm bảo trọn vẹn pháp lý và giao các biên bản pháp lý cho người mua, cung cấp các hồ sơ pháp lý cần thiết liên quan đến dự án.
Hai ngày sau, ông H. lên Kim Phát để hoàn tất hợp đồng đóng tiền. Thế nhưng, trong hợp đồng không có ràng buộc trách nhiệm của Kim Phát mà chỉ có tiến độ đóng tiền.
Số tiền đóng 2 đợt đầu gần 300 triệu đồng chỉ trong vòng hơn 1 tháng, chiếm gần 50% giá trị miếng đất. Còn những lần sau chia thành 6 đợt đóng trong 6 tháng, mang tiếng nhiều đợt nhưng các đợt sau số tiền còn lại đóng rất ít.
“Tôi ký hợp đồng nhưng Kim Phát không cho tôi giữ lại một để đối chiếu. Đại diện Kim Phát chỉ hứa miệng dự án sẽ hoàn thành trong vòng 8 tháng. Tôi có yêu cầu Kim Phát ghi thêm trong hợp đồng đóng tiền là các đợt thanh toán phải phù hợp tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án và có thể kéo dài tối đa một năm nhưng nhân viên công ty không chịu ghi”, ông H. nói.
Sàn bất động sản Kim Phát, nơi chiếm giữ hơn 800 triệu đồng của khách hàng tại dự án Gold Hill
Kim Phát không đáp ứng đủ các pháp lý về dự án, ông H. yêu cầu trả lại 20 triệu tiền cọc nhưng sàn môi giới này hứa sẽ chuyển sang dự án khác đầy đủ hạ tầng. Ông H. không muốn mua dự án khác và đòi lại tiền nhưng đến nay đã 4 tháng mà Kim Phát không chịu trả.
“Do mất niềm tin và các dự án khác không có người quen ở gần đó nên tôi đã đến Kim Phát nhiều lần đề nghị gặp giám đốc nhưng không được. Tôi gởi thư trực tiếp cho Giám đốc Công ty Kim Phát là ông Nguyễn Công Cường nhưng cũng không được giải quyết”, ông H. bức xúc.
Còn sàn bất động sản Skyland ở đường Lâm Văn Bền, quận 7 cũng giới thiệu là nhà phân phối độc quyền dự án Đức Long Golden Land. Dự án chưa làm móng, chưa có nhà mẫu nhưng các nhân viên môi giới của Skyland nói là mở bán ngày 25 – 2.
Trong vai khách hàng khách hàng cần mua căn hộ, chúng tôi đã được nhân viên của Skyland tư vấn, do chưa có nhà mẫu nên đang được chiết khấu 5%. “Rất nhiều khách hàng đã đặt mua căn hộ này. Bây giờ chưa làm móng xong nên mình sẽ ký hợp đồng đặt cọc 200 triệu đồng.
Sau đó, mỗi tháng anh sẽ đóng 20 triệu đồng. Đến tháng 9 – 2017, dự án làm móng xong sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ. Số tiền anh đã đóng ở hợp đồng đặt cọc sẽ được chuyển qua hợp đồng mua bán”, nhân viên tư vấn tên Phúc cho biết.
Khách hàng nên khởi kiện
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, để xảy ra tình trạng các sàn bất động sản nâng giá bán, tự ý thu tiền của khách hàng, rao bán căn hộ khi chưa đầy đủ pháp lý là do chủ đầu tư buông lỏng quản lý.
“Người tiêu dùng sẽ bị thiệt, chủ đầu tư mất uy tín, Nhà nước thất thu thuế. Chỉ có sàn giao dịch bất động sản là hưởng lợi bất chính bởi họ chỉ tốn nước bọt rồi lấy tiền chênh lệch”, ông Châu nói.
Ông Châu cho biết thêm, các sàn bất động sản tự ý nâng giá bán sẽ tác động xấu đến thị trường bất động sản. Người mua nhà sẽ không còn tin vào các sàn thì sớm muộn gì họ cũng phá sản. Do đó, các sàn bất động sản phải hoạt động minh bạch, niêm yết giá và có lương tâm nghề nghiệp.
Giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM cho rằng, hệ thống pháp luật đang thiếu một bộ chuẩn mực hành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản để áp dụng thống nhất. Khi việc hành nghề chưa tuân thủ theo một chuẩn mực chung thì mỗi sàn làm một kiểu, dẫn tới sự vận động khập khiễng của thị trường. Người mua nhà chưa tin tưởng vào hoạt động của sàn giao dịch bất động sản với vai trò là tổ chức tư vấn, trung gian môi giới trong giao dịch.
Dự án Đức Long Golden Land còn ngổn ngang máy móc, chưa làm móng nhưng đã mở bán từ tháng 2
“Phải có biện pháp chế tài chứ kêu gọi sự tử tế của các sàn bất động sản thì rất khó. Trong lúc tư vấn, họ luôn hứa hẹn, đưa ra nhiều thông tin, chính sách ưu đãi khác với chủ đầu tư công bố. Sau khi ký hợp đồng, họ lấy tiền hoa hồng còn khách hàng thì chịu thiệt và chủ đầu tư phải đi giải quyết hậu quả của họ gây ra”, vị Giám đốc này nói.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Quyền, Đoàn luật sư TP.HCM, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của các sàn môi giới đã có nhưng các quy định này chưa được triển khai thực sự. Các cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm của các chủ đầu tư và các sàn giao dịch trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trả lời phóng viên về việc, sàn Kim Phát tự ý nâng giá bán đất nền và thu tiền của khách hàng, ông Quyền hướng dẫn người mua đất làm văn bản gửi Kim Phát và chủ đầu tư dự án Gold Hill. Nếu Kim Phát và chủ đầu tư không phối hợp giải quyết, trả lại tiền cho khách hàng thì họ có quyền kiện ra Tòa để đòi lại quyền lợi của mình.
Điều đáng nói, trong danh sách sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động ở TP.HCM với Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tính đến ngày 6 – 9 – 2016 thì không có tên Kim Phát lẫn Skyland.