Ngày 7-6, tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Hồng Quân, nguyên là Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đại Ninh thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện trường một vụ phá rừng tại rừng phòng hộ Sông Lũy.
Theo hồ sơ điều tra, từ ngày 1-7-2017 đến ngày 8-8-2018, Đặng Hồng Quân được bổ nhiệm giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Đại Ninh. Trong thời gian giữ chức vụ, Đặng Hồng Quân đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, truy bắt khi phát hiện đối tượng khai thác lâm sản trái phép trên lâm phận mình quản lý, bảo vệ, mà đã bỏ mặc hậu quả thiệt hại xảy ra.
Đặc biệt, Đặng Hồng Quân còn không báo cáo để lập hồ sơ khi phát hiện cây gỗ rừng bị khai thác trái phép; tự ý tách hồ sơ khai thác gỗ trái phép dưới mức xử lý hình sự nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng dẫn đến rừng phòng hộ bị xâm hại nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đã xác định có 182 cây gỗ rừng bị khai thác trái phép, làm thiệt hại trên 1,5 tỉ đồng.
Đây là một trong hàng chục vụ phá rừng nghiêm trọng mà PLO đã có hàng loạt tin, bài phản ảnh nhiều năm liền. Cụ thể tại khu vực “Dốc xe gãy” thuộc khoảnh 6 và khoảnh 8, tiểu khu 72, đối tượng rừng sản xuất do BQLRPH Sông Lũy quản lý có gần 200 cây rừng bị triệt hạ. Tổng sản lượng thiệt hại là 266,052 m3 gỗ từ nhóm II-VI, thời gian phá diễn ra trong khoảng một tháng, mức độ thiệt hại tài nguyên rừng là rất nghiêm trọng. Trong vụ phá rừng này ngoài trách nhiệm của bị can Quân còn có trách nhiệm của Phó Trạm Dụng Minh Thang và Đoàn Ngọc Thuận, nhân viên trạm.
Cây gỗ bị đốn hạ ở rừng phòng hộ Sông Lũy.
Theo báo cáo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, từ 2015-2017, Hạt Kiểm lâm Bắc Bình phát hiện rất nhiều vụ phá rừng trái phép và đã ra quyết định khởi tố 25 vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Những vụ này đều xảy ra trên lâm phận BQLRPH Sông Lũy quản lý, hậu quả rất nghiêm trọng đã có hàng ngàn m3 gỗ bị chặt hạ trái phép, có vụ gây thiệt hại đến 250 m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8.
Nguyên nhân là do chủ rừng thiếu trách nhiệm, kiểm lâm địa bàn không phối hợp với chủ rừng, địa phương; nhiều nơi để rừng bị phá liên tục, kéo dài nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo. Hạt Kiểm lâm thiếu phối hợp với chủ rừng, địa phương.
Cụ thể khi chủ rừng phát hiện rừng bị triệt hạ đến khi Hạt Kiểm lâm khởi tố chuyển cho công an thường trên sáu tháng, có vụ kéo dài cả năm. Do đó khó khăn cho công tác điều tra, hầu hết các vụ án không tìm ra người phạm tội nên phải tạm đình chỉ điều tra khi hết thời hạn điều tra vụ án.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận khẳng định: "Xảy ra sự việc trên là do các cơ quan tố tụng ở Bắc Bình làm theo quy trình ngược".
Vị này cho rằng sở dĩ gọi là “quy trình ngược” là do VKS, công an và Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình có biên bản thống nhất: Khi có vụ việc xảy ra, chủ rừng lập hồ sơ, Hạt Kiểm lâm báo cáo cho công an và VKS để xem xét, trưng cầu giám định thiệt hại rừng. Khi có kết luận giám định, Hạt Kiểm lâm sẽ làm căn cứ để khởi tố vụ án.
Tuy nhiên, do BQLRPH Sông Lũy phát hiện vi phạm không kịp thời, hầu hết vụ lâm tặc lấy hết gỗ hoặc đưa gỗ ra khỏi rừng. Việc lập hồ sơ ban đầu của chủ rừng sai sót nên khi chuyển cho Hạt Kiểm lâm phải trả lại, bổ sung nhiều lần.
“Lẽ ra theo thẩm quyền, Hạt Kiểm lâm phải ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển cho công an và cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định để điều tra, đằng này lại giao cho chủ rừng” – vị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho biết.