Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã gửi gắm đến cử tri cả nước như thế, với mong muốn người dân hãy tích cực đi bầu cử, không nên từ bỏ quyền bầu cử thiêng liêng, có tính chất quyết định đối với vận mệnh quốc gia của mình.
Điều ông Nhân tha thiết kêu gọi là rất chính đáng. Bởi lẽ quyền bầu cử, không chỉ ở Việt Nam, mà trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, là kết quả của một quá trình đấu tranh đằng đẵng và to lớn, nếu không muốn nói là vĩ đại để giành lấy quyền làm chủ cho mỗi dân tộc và người dân của các quốc gia. Nước ta, để có được quyền đó cho nhân dân mình, không biết bao nhiêu xương máu của cha ông, đồng bào ta đã đổ xuống.
Bởi lẽ đó mà ngay trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc ta sau Cách mạng tháng Tám, ngày 6-1-1946, dù còn muôn vàn khó khăn nhưng tỉ lệ cử tri đi bầu cử lên tới 89%. Điều đó cho thấy khát khao về quyền làm chủ của dân ta to lớn biết nhường nào.
Những ngày này, ở bất cứ đâu, bầu cử cũng là một trong những chủ đề được bàn luận, dưới những góc độ và cung bậc khác nhau tùy theo quan điểm của mỗi người. Mặc dù kinh tế còn khó khăn và thiên tai, hạn hán đang làm xã hội phải bận lòng, bức xúc nhưng bầu cử vẫn trở thành câu chuyện thời sự hằng ngày.
Hiến pháp 2013 đã xác định những nguyên tắc quan trọng về dân chủ, trong đó quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND”.
Quốc hội Việt Nam không ngừng từng bước nâng cao và hoàn thiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước. Quốc hội đã quyết liệt trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế cho một nền kinh tế hội nhập. Giám sát án oan cũng đã được thực hiện, nhằm rà soát lại việc thực thi pháp luật và đảm bảo công lý cho xã hội... Nhiều quy định đảm bảo quyền công dân, quyền con người đã được cụ thể hóa trong các bộ luật… Và ngay cả bản thân Quốc hội cũng luôn kiện toàn chính mình, qua việc bị bãi miễn các đại biểu không thực hiện đúng chức phận đại diện cho quyền lực nhân dân của mình…
Bởi vậy, cử tri tham gia bầu cử chính là thực hiện quyền tham gia chính trị của mình, gián tiếp tham gia vào việc hình thành các quyết sách có ảnh hưởng đến dân sinh, đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa… của đất nước. Ý nghĩa sâu xa của việc bầu cử như đề cập ở trên cho thấy việc thực hiện quyền làm chủ của cử tri trong cuộc bầu cử này là nền tảng pháp lý đặc biệt quan trọng cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Bởi lẽ, khi thực hiện quyền bầu cử, lựa chọn ra những đại biểu để trao quyền lãnh đạo và điều hành xã hội thì cũng đồng thời nhân dân có quyền yêu cầu những lãnh đạo, đại biểu của mình hành động vì lợi ích của quốc gia, vốn là tổng hòa lợi ích của toàn thể nhân dân.
Tất cả điều này cho thấy mỗi lá phiếu cử tri bầu cử hôm nay hàm chứa bao giá trị thiêng liêng của nó. Sự thiêng liêng ấy đòi hỏi chúng ta phải trân trọng quyết định của mình, bởi quyết định ấy chính là tương lai của mỗi chúng ta và cả đất nước.
Đừng bao giờ đánh mất quyền làm chủ với bao giá trị lịch sử thiêng liêng, quý báu ấy!