Bảy loại tai nạn trẻ thường gặp trong hè

Vào những ngày hè, học sinh được nghỉ học ở nhà, vui chơi nhưng thường cha mẹ, các bậc phụ huynh vẫn bận bịu đi làm, không có người trông trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ từ một đến năm tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ có thể bị các tai nạn trong nhà như dị vật đường thở, điện giật, phỏng, ngạt nước, uống nhầm, chấn thương,… Trẻ lớn hơn có thể bị đuối nước, ong đốt, rắn cắn,...

Sau đây là một số tai nạn thường gặp, quý phụ huynh cần lưu ý phòng tránh:

Dị vật đường thở:

Trẻ ăn dưa hấu có hạt hoặc cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ, ngay cả kẹo mứt… Đặc biệt khi trẻ ăn vừa cười giỡn hoặc khóc dễ bị dị vật đường thở. Phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt này hoặc khi ăn phải lấy hết hạt ra.

Điện giật:

Do những chùm đèn trang trí trên chậu cây kiểng, nhang điện, đèn hào quang nhấp nháy ở các bàn thờ hấp dẫn trẻ đến tò mò, sờ mó nên bị điện giật. Phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để xa tầm với của trẻ. Các ổ điện được che kín bằng các nút nhựa an toàn.

Trong những ngày hè, phụ huynh cần luôn có người giữ trẻ để giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ . Ảnh: HTD

Phỏng:

Vào ngày hè, trẻ nhỏ ở nhà hay tìm hiểu thế giới xung quanh nên trẻ vướng phải các bình nước sôi, nồi canh nóng trên bàn hoặc kéo khăn bàn làm rơi đổ, gây phỏng trẻ. Cha mẹ cần hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ, tốt nhất có người giữ trẻ để không cho trẻ “phá” và không cho trẻ vào nhà bếp, để xa tầm với của trẻ các đồ vật, thức ăn uống đang nóng.

Ngạt nước:

Một số gia đình có hồ kiểng non bộ trong nhà gần chân cầu thang, trẻ có thể đến đó và té vào hồ hoặc vào buồng tắm nghịch nước, té vào xô nước hoặc bồn cầu gây ngạt nước. Tốt nhất không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ, xô nước bồn cầu được đậy nắp hoặc không chứa nước. Trẻ lớn đi bơi ở sông suối, ngay cả hồ bơi không có người lớn đi kèm, theo dõi có nguy cơ bị đuối nước.

Uống nhầm, ăn nhầm:

Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng chẳng hạn thức ăn trộn thuốc diệt chuột, côn trùng hoặc thuốc an thần, động kinh (phenobarbital, haloperidol...), đưa đến ngộ độc có thể ảnh hưởng tính mạng trẻ. Phụ huynh lưu ý không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm thấy của trẻ.

Ong đốt:

Trẻ đi chơi ngoài vườn, chọc phá tổ ong, bị ong bay ra tấn công. Phòng ngừa bằng cách phát quang xung quanh nhà, dạy trẻ không chọc phá tổ ong.

Rắn cắn:

Các trẻ ở vùng quê đi chơi ruộng đồng, vườn cây, rừng cao su... bị rắn cắn. Phòng ngừa bằng cách tránh sinh hoạt nơi có nhiều rắn rết hoạt động, mang giày cao ống khi vào rừng, vườn cây có nhiều lá khô - nơi rắn chàm quạp thường ẩn náu hoặc tránh leo trèo cây xanh - nơi có rắn lục xanh lưu trú.

Phòng ngừa chung nhất là luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ và thiết kế trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà quý phụ huynh cảm nhận, ý thức được.

BS NGUYỄN MINH TIẾN, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Nhi đồng 1

 

Nhiều tai nạn trẻ em dồn dập

Tuần qua, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi LTTD (tám tuổi, Đồng Nai) do bị rắn cắn ở chân phải. Người nhà bệnh nhi cho biết em ra vườn hái hoa và bị cắn, gia đình đã phát hiện và bắt được con rắn lục đuôi đỏ. Lúc nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng sưng nề chân, đau nhức, chảy máu, xuất huyết da toàn thân... Bệnh nhi được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục cùng với điều trị hỗ trợ khác như thở ôxy, kháng sinh, dịch truyền.

Trước đó, BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi NT (năm tuổi, Tiền Giang) vì té xích đu, bị cọc tre đâm thủng trực tràng. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật nối lại đoạn trực tràng bị thủng, đồng thời tạo hậu môn tạm chờ vết thương trực tràng lành.

Theo các bác sĩ, kinh nghiệm mùa hè các năm trước cho thấy số lượng trẻ bị ong đốt, ngạt nước, rắn cắn và tai nạn giao thông là khá đông. Do vậy, phụ hunh cần trông coi con em cẩn thận.

DUY TÍNH

“Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em”

Ngày 25-5, tại TP.HCM, Bộ Y tế phát động “Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em”. Theo đó, Bộ Y tế kêu gọi chính quyền các địa phương cùng phối hợp với ngành y tăng cường hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý bảo vệ sức khỏe con trẻ từ những chuyện đơn giản như rửa sạch tay khi chăm sóc con, thực hiện tốt việc tiêm phòng… Ngoài ra, phụ huynh cũng nên trang bị đầy đủ kiến thức về dinh dưỡng để có thể nuôi trẻ khỏe mạnh, nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng cũng như thừa cân, béo phì.

Không chỉ dừng lại trong tháng 6, nội dung tuyên truyền phòng bệnh và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sẽ tiếp tục được ngành y tế TP.HCM chuyển đến các trường mầm non trên địa bàn nhằm giúp phụ huynh nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe con trẻ, từ đó trở thành những tuyên truyền viên chung tay cùng ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm