Bé 6 tuổi cần giấy khai sinh để được vào lớp 1

(PLO)- Vì không sống chung với mẹ, bé gái đã 6 tuổi vẫn chưa được đăng ký giấy khai sinh để chuẩn bị vào lớp 1.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gửi thông tin đến Pháp Luật TP.HCM, anh ĐĐP (ngụ phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết con gái anh năm nay đã 6 tuổi, theo quy định thì tháng 9 tới đây con anh sẽ được vào lớp 1.

Tuy nhiên, hiện bé vẫn chưa được cấp giấy khai sinh vì anh không liên hệ được với mẹ bé để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Vướng giấy kết hôn, con chưa được khai sinh

Anh P cho biết: Đầu năm 2017 anh có quen chị G, tuy quen nhau nhưng anh P. chỉ một, hai lần về quê chị G. chơi cũng không có thời gian tìm hiểu gia cảnh nhà chị G.

Đến tháng 6-2017, cả hai quyết định tổ chức tiệc cưới tại một nhà hàng ở TP.HCM để mời hai bên họ hàng gặp nhau. Tháng 4-2018, chị G. sinh cho anh một đứa con gái.

Anh P kể: “Sau khi sinh con ra, tôi có nói G. về quê xin giấy xác nhận độc thân để cả hai đăng ký kết hôn. Lúc này, G mới khai rằng mình chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng trước. Tôi lo lắng nên đã bảo G. về quê làm thủ tục ly hôn để làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con. Khi ấy G. cũng có về quê vài lần nhưng không làm thủ tục được vì không liên hệ được với người chồng trước. Sau đó, tôi và G. xảy ra mâu thuẫn và G. bỏ đi, để con cho tôi nuôi đến nay”.

giay-khai-sinh-be 6- tuoi.jpg
Con anh P. đã 6 tuổi vẫn chưa được đăng ký giấy khai sinh để chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Anh P. thông tin thêm: Lúc con được hai tuổi, anh có đến UBND phường Bình Trị Đông A làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con. Tuy nhiên, phường hướng dẫn anh phải tìm người mẹ thì mới giải quyết bởi không có giấy tờ nào chứng minh anh là cha của đứa bé.

“Rất nhiều lần tôi liên hệ G. yêu cầu về làm giấy khai sinh cho con nhưng G. chỉ hứa hẹn rồi không về. Vì quá bức xúc, tôi có lời qua tiếng lại nên G. cắt đứt liên lạc. Giờ tôi không còn cách nào để liên hệ được với G.

Đến đầu năm 2023, tôi có liên hệ lại phường thì được hướng dẫn làm xét nghiệm ADN để xác định mối quan hệ cha, con. Thế nhưng có giấy xét nghiệm xong thì vẫn phải cần có người mẹ về mới làm được khai sinh. Con tôi tháng 9 này vào lớp 1, giờ không có giấy khai sinh thì không đăng ký học được. Tôi rất lo lắng, mong rằng các cơ quan chức năng giúp đỡ cho con tôi được đăng ký khai sinh để cháu được đến trường”- anh P mong mỏi.

Phường sẽ hướng dẫn người cha làm thủ tục

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông A, cho biết đối với trường hợp của con anh P., hiện phường chưa tiếp nhận hồ sơ đăng ký giấy khai sinh. Để làm giấy khai sinh cho con, anh P. có thể liên hệ lại với UBND phường và cung cấp tất cả những giấy tờ liên quan mà anh có. Sau đó, phường sẽ tiến hành xác minh và hướng dẫn tùy theo tình hình thực tế.

Một cán bộ tư pháp UBND phường Bình Trị Đông A cũng cho biết thêm: Khi tiếp nhận thông tin, phường sẽ tiến hành xác minh từ phía bệnh viện để xác định thông tin trên giấy chứng sinh bảng chụp (nếu anh P không cung cấp được bảng chính).

Đồng thời, phường sẽ làm văn bản xác minh tại nơi thường trú của người mẹ nhằm xác định hiện tại cháu bé có được đăng ký khai sinh tại nơi cư trú của người mẹ hay chưa. Ngoài ra, cần phải xác định kỹ trong thời gian sinh con thì người mẹ đã ly hôn với người chồng trước hay chưa. Khi có đầy đủ thông tin, phường sẽ tiếp tục hướng dẫn để làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho cháu bé.

Đăng ký giấy khai sinh trong những trường hợp đặc biệt

Tại điều 16, thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp có hướng dẫn đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 16 của thông tư này quy định: Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp”.

Tại khoản 4, Điều 16, Thông tư 04/2020 cũng có hướng dẫn:

Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án xác định theo quy định pháp luật.

Trường hợp tòa án từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.

Căn cứ những thông tin mà anh P cung cấp, anh P và chị G sống chung như vợ chồng từ 2017, có tổ chức đám cưới, đến tháng 4-2018 chị G sinh bé gái. Tuy nhiên, lúc này chị G vẫn chưa ly hôn với người chồng trước (đang trong thời kỳ hôn nhân với người chồng trước) nên căn cứ khoản 1, điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014 xác định bé gái là con chung của chị G và người chồng trước (Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng).

Nay anh P muốn nhận bé gái là con ruột thì phải làm đơn yêu cầu hoặc khởi kiện (nếu có tranh chấp) đến TAND cấp có thẩm quyền để yêu cầu xác định cha cho con, cung cấp tài liệu chứng cứ mà anh có để tòa án xem xét và giải quyết theo quy định.

Trường hợp tòa án từ chối giải quyết hoặc có bản án, quyết định xác định anh P là cha của bé gái thì quay lại Cơ quan đăng ký hộ tịch để làm đăng ký khai sinh cho bé theo quy định tại khoản 4, điều 16, Thông tư 04/2020 như nêu trên.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm