Bé gái 13 tuổi nhập viện cấp cứu do liên tục uống nước ngọt

Ngày 18-2, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết vừa cấp cứu một bé gái 13 tuổi bị sốc do tăng đường huyết nặng.

Có ngày uống hết thùng nước ngọt

Theo lời kể của người nhà, dịp Tết vừa qua bé gái được cho về quê Cà Mau thăm họ hàng. Những ngày này, bé đã uống mỗi ngày 3-4 chai nước ngọt coca 1,5 lít mặc dù người nhà có răn đe.

Sau khi chơi Tết về nhà, bé liên tục than mệt, khát nước, tiểu nhiều, sụt 10 kg trong 3 ngày và tiếp tục uống nước ngọt không kiểm soát mỗi khi mệt. Đỉnh điểm ngày trở nặng, bé đã uống hết cả một thùng nước ngọt trà xanh khi cả nhà đi làm. Chưa dừng lại ở đó, bé còn uống thêm 5 bịch cà phê gói pha, và hơn hai trái dừa tươi nhưng lại càng mệt.

Bé gái được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC

Đến chiều tối ngày 14-2, bé nằm vật vã rồi lơ mơ nên được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương. Tại đây, xét nghiệm cho thấy bé bị toan ceton trong máu rất nhiều do bệnh đái tháo đường. Đường huyết ghi nhận hơn 1.500 mg/dl (chỉ số có thể gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường). Bé gái được chuyển đến BV Nhi đồng Thành phố lúc nửa đêm trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô héo và tái nhợt.

Tại đây, sau khi được xử trí cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng dịch truyền, thuốc insulin, bé gái đã tỉnh lại sau hai ngày mê man, nằm nhịn ăn.

Dấu hiệu đái tháo đường ở trẻ em

Theo BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, những ngày Tết trẻ em được ăn uống nhiều loại thức ăn thỏa thích chứa hàm lượng đường rất cao. Nếu có nguy cơ tiềm ẩn bất dung nạp đường, trẻ có thể bị bệnh đái tháo đường mà biểu hiện ban đầu là các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hay ói mửa, đau bụng sau đó thở mệt, rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê… nhầm lẫn với bệnh lý khác, dẫn đến tử vong nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Trong nhóm trẻ bị đái tháo đường, người ta nhận thấy tần suất bệnh cao nhất ở 2 nhóm tuổi là 5-7 tuổi tương ứng với thời điểm tăng tiếp xúc với các tác nhân nhiễm trùng khi bắt đầu đi học. Tiếp đó là nhóm tuổi dậy thì tương ứng với lúc tăng tiết hormone sinh dục, hormone tăng trưởng và các stress ở lứa tuổi này. Nam nữ có thể mắc bệnh như nhau. Đa số trẻ mắc bệnh tiểu đường type 1. Một số ít mắc bệnh tiểu đường type 2 thường là ở trẻ dư cân, béo phì. Người ta cũng nhận thấy bệnh tiểu đường có liên quan đến nhiễm siêu vi cúm, quai bị, coxsackie B4, rubella, CMV (cytomegalovirus).

Khoa học chưa chứng minh được ăn nhiều đường gây ra bệnh tiểu đường, nhưng nó làm cho bữa ăn mất cân bằng. Lượng đường dư trong máu buộc tụy tạng và các cơ quan khác phải làm việc nhiều để chuyển đường thành mỡ đưa đến mập phì và các rối loạn khác không có lợi cho sức khoẻ.

Triệu chứng đặc trưng của đái tháo đường là trẻ là ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thường gọi là triệu chứng “bốn nhiều”. Tuy nhiên, theo BS Tiến, trên thực tế lâm sàng hiện nay, ít gặp trẻ tiểu đường biểu hiện cả triệu chứng “bốn nhiều” mà chỉ gặp các triệu chứng hai hoặc ba nhiều, hay là các biểu hiện như ăn kém, sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê) hoặc biểu hiện qua suy giảm sức đề kháng cơ thể như bị nhọt da, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm quanh nướu răng hay biểu hiện thần kinh như tê rần như kiến bò ở chân, giảm thị lực, hoa mắt. Trước đó trẻ có thể biểu hiện đơn thuần là nhiễm khuẩn đưởng hô hấp cấp hay đường tiêu hóa hay đường tiểu. Khi có các triệu chứng gợi ý trên, phụ huynh hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám tầm soát bệnh tiểu đường.

Đái tháo đường có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ là hôn mê nhiễm toan ceton. Do không sử dụng được đường nên cơ thể lấy năng lượng cho hoạt động từ nguồn mỡ dự trữ đưa đến tạo nhiều thể ceton trong máu thông qua quá trình chuyển hoá axit béo, đưa đến nhiễm toan máu nặng. Trẻ biểu hiện rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê, thở nhanh sâu, mất nước có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Về lâu dài, trẻ có thể gặp những tổn thương ở võng mạc như giảm thị lực, hoa mắt, có thể đưa đến mù lòa; tiểu đạm có thể suy thận; chân lạnh, tím đỏ, loét; tổn thương thần kinh làm tê rần, rát bỏng, đau nhức chân.

Để điều trị đái tháo đường, cần đưa mức đường huyết về gần mức bình thường, đồng thời hạn chế biến chứng. Trẻ cần được theo dõi lượng đường huyết thường xuyên theo y lệnh của bác sĩ, thường thử đường huyết nhanh bằng que (dextrostix hoặc glucostix). Ngoài ra, trẻ còn phải thử định kỳ Hemoglobine A1c để biết đường huyết đã được kiểm soát tốt chưa. Bên cạnh đó, trẻ phải dùng thuốc đúng liều, đúng cách theo y lệnh bác sĩ. Chế độ ăn, cách chăm sóc ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng. Bác sĩ điều trị, trẻ bệnh và phụ huynh trẻ cần hợp tác chặt chẽ với nhau.

BS CK2 NGUYỄN MINH TIẾN, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm