Ngày 11-3, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết vừa cứu sống một bé gái (15 tháng tuổi, ngụ Bạc Liêu) nguy kịch do biến chứng của bệnh tay chân miệng.
Trước đó, bé gái có biểu hiện sốt cao 2 ngày, nổi hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân.
Sang ngày thứ 3, bé vẫn sốt cao kèm theo ói, giật mình chới với, lơ mơ. Người nhà đã đưa bé nhập BV tỉnh trong tình trạng lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông.
Tại đây, bé nhanh chóng rơi vào tình trạng trụy tim mạch tuần hoàn, tim nẩy mạnh trên 200 lần mỗi phút nên được chuyển khẩn lên BV Nhi đồng Thành phố.
Bé gái trụy tim, nguy kịch do mắc tay chân miệng. Ảnh: BVCC
Tại BV Nhi đồng Thành phố, bé đã được cho thở máy, dùng thuốc vận mạch sau đó được hội chẩn ê kíp tiến hành lọc máu liên tục.
Sau 2 ngày được lọc máu liên tục, tình trạng bé cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim trở về bình thường và được cai máy thở. Hiện tại, bé đã hồng hào trở lại, bú được sữa.
Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới ba tuổi, độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng.
Trẻ mắc bệnh nặng thường giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, nảy người, không giống với giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu, không đi vững, tay chân yếu, người run. Trẻ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh là bệnh đã quá nặng.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine phòng bệnh nên cần có các biện pháp vệ sinh và cách ly trẻ mắc bệnh.
Cơ chế của bệnh là trẻ nuốt phải virus gây bệnh vào bụng. Virus phát tán ra môi trường từ phân, mụn nước và nhiều nhất là từ nước miếng của người bệnh. Một trẻ mắc bệnh dễ làm virus lây lan ở sàn nhà, đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa... Trẻ nhỏ chưa có ý thức nên thường có thói quen móc miệng, ngậm tay rồi bốc lung tung, bò dưới sàn nhà và ngậm đồ chơi nên dễ nhiễm phải virus.
Người lớn và trẻ lớn có khi mang virus bệnh nhưng biểu hiện rất nhẹ, nhìn bên ngoài không biết cũng có thể là nguồn phát tán virus ra môi trường và lây cho trẻ khác khi chăm sóc và tiếp xúc.