Cuốn sách vừa chính thức ra mắt vào chiều 24-6 do Công ty SaigonBook và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phối hợp thực hiện. Buổi ra mắt được tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, do Hội quán Các bà mẹ, Công ty Quà của bố, Web trẻ thơ và BTC Đường sách phối hợp tổ chức. Buổi ra mắt thu hút rất đông người đến tham dự và nhận được nhiều chia sẻ xoay quanh vấn đề xâm hại tình dục (XHTD).
Sở dĩ, cuốn sách nhận được nhiều sự ủng hộ vì nội dung và cách thiết kế cuốn sách giúp phụ huynh và con cái của mình có thể kết nối, tìm được sự chia sẻ, gần gũi hơn khi đề cập đến một vấn đề nhạy cảm là nạn XHTD.
TS Phạm Thị Thúy và Thảo Nhi cùng giao lưu với mọi người trong buổi ra mắt. Ảnh: THANH TUYỀN
Cuốn sách được thiết kế mà hai trang bìa là hai nội dung thể hiện khác nhau. Phần thứ nhất chia sẻ kỹ năng cần thiết cho phụ huynh và các em nhỏ liên quan đến nạn XHTD do TS Phạm Thị Thúy viết. Phần thứ hai là những tình huống gặp nạn có thể xảy ra với các em nhỏ và những câu thơ thú vị giúp các em có thể phòng, tránh được rủi ro do Thảo Nhi cùng tác giả Đào Trung Uyên viết với phần minh họa bắt mắt của Sứa Con Lon Ton. Hình ảnh hiệp sĩ Tani cũng được vẽ dựa trên hình ảnh thật của bé Thảo Nhi, khiến các bạn nhỏ vô cùng thích thú khi cầm cuốn sách trên tay.
Hai trang bài của cuốn sách được thiết kế với hai nội dung liên quan đến việc phòng, tránh nạn XHTD. Ảnh: THANH TUYỀN
Ra đời trong thời điểm mà tình trạng XHTD đang ngày càng trở nên phổ biến, cuốn sách nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh. Chia sẻ những tâm tư của mình về câu chuyện của một cô bé từng bị XHTD khi còn nhỏ, ThS Dương Thanh Sơn kể rằng sau khi bị xâm hại, cô gái đó đã không thể nói với mẹ sự thật mà chỉ sợ duy nhất một điều. “Bé sợ bị mẹ la mắng vì sao quần áo dơ và rách tơi tả chứ không phải là sợ về những gì mà bé đã trải qua. Bé không hề biết rằng hiểm nguy đang rình rập xung quanh bé”, anh nói.
Chính câu chuyện đó đã giúp anh càng nhận thức rõ hơn một điều là phải làm mọi việc, trang bị cho con mình đủ mọi kiến thức để con tự bảo vệ cho mình khi không có bố mẹ bên cạnh. “Chính vì thế nên tôi càng thấy quý cuốn sách này hơn rất nhiều và đã đọc một mạch ngay sau khi mua về”, anh Sơn chia sẻ.
Cuốn sách rất bổ ích cho cả phụ huynh và trẻ nhỏ với hai phần nội dung rõ ràng... Ảnh: THANH TUYỀN
"Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con - Những bảo bối của hiệp sĩ Tani” chắc chắn sẽ là cuốn sách mang đến cho phụ huynh và con em của mình những kiến thức cũng như kỹ năng xử lý tình huống thực tế mà mỗi ngày các em có thể gặp phải. Đó còn chính là tâm huyết của những người làm nên cuốn sách này, vì tương lai của những đứa trẻ...
Hình ảnh hiệp sĩ Tani được phác họa dựa theo hình ảnh của Thảo Nhi ngoài đời... Ảnh: THANH TUYỀN
TS Phạm Thị Thúy nói rằng rủi ro có thể xảy ra mỗi ngày, với cả người lớn và trẻ con. Nhưng với những đứa trẻ, khi mà khả năng đề kháng và sức phòng vệ chưa có đủ thì hậu quả khó mà đoán trước được. Hơn nữa, việc XHTD còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và cuộc sống của trẻ sau này.
“Ở cuốn sách này, chúng tôi chú trọng dạy các con về bốn vấn đề. Một là sự am hiểu, các con phải biết, phải hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình để biết cách bảo vệ mình. Hai là sự bình tĩnh, trẻ phải bình tĩnh để khi có chuyện xảy ra có thể nói ngay với bố mẹ hoặc bất kỳ người lớn nào khi xảy ra chuyện gì, không riêng gì vấn đề XHTD. Ba là sự cẩn trọng, các con phải chú ý đến sự an toàn của mình, ngăn chặn trước những rủi ro có thể xảy ra. Cuối cùng, chúng tôi muốn các con dám ứng phó, dám tự vệ và tự mình thoát khỏi những nguy cơ có thể bị xâm hại”, TS Thúy tâm huyết.
TS Phạm Thị Thúy cùng Thảo Nhi trò chuyện với mọi người trong buổi ra mắt sách. Tác giả Đào Trung Uyên vì đang ở nước ngoài nên không đếm tham dự được. Ảnh: THANH TUYỀN
Còn với Thảo Nhi, được tham gia viết sách là một niềm vui lớn với em. Mong muốn của em là được góp sức mình vào việc ngăn chặn những nguy hiểm có thể xảy đến với những bạn cùng trang lứa. “Khi được cô Thúy mời viết sách cùng con thấy rất vui và cảm ơn cô nhiều lắm”, Thảo Nhi hồn nhiên nói.
Khi được hỏi rằng tham gia viết sách rồi, có nhiều nơi muốn mời Nhi đến nói chuyện cùng các bạn nhỏ thì Nhi có mệt không, có muốn dừng lại nghỉ ngơi không. Nhi liền trả lời: “Con không thấy mệt mà ngược lại thấy rất vui vì đó là điều con thích. Được nói chuyện nhiều với các bạn về những điều này là điều mà con luôn mong mỏi. Được làm điều con thích thì con phải bỏ ra 100% công sức của mình mới mong nhận được thành công”.
Có lẽ, chính sự say mê của Nhi và tâm huyết của những người làm nên cuốn sách này đã khiến độc giả đón nhận rất nhiều. Chị Vũ Hoàng Thục, Giám đốc điều hành Công ty Quà của bố, chia sẻ chị và con trai đã tìm được tiếng nói chung sau khi cùng nhau đọc sách. “Và con trai tôi đã hỏi rằng liệu sau khi con trở lại trường vào năm học tới thì các bạn của con có nhận được những cuốn sách như vậy hay không. Và tôi đã hứa là sẽ tặng cho các bạn của con mỗi bé một cuốn”, chị Thục nói.
Buổi ra mắt còn có sự tham gia của ca sĩ Trang Pháp, người sáng lập nên dự án "Đừng để con một mình", cũng nói về nạn XHTD. Ca sĩ Trang Pháp cũng gửi gắm rằng đừng để chuyện xảy đến với con mình thì bố mẹ mới loay hoay tìm cách tháo gỡ mà hãy quan tâm, dành nhiều thời gian cho con hơn để chuyện không xảy ra rồi mới hối tiếc.
Trần Lê Thảo Nhi là nhân vật trong bài viết “Bé lớp 4 ‘diễn thuyết’ với bạn về xâm hại tình dục” trên báoPháp Luật TP.HCM số ra ngày 20-4. Từ đó đến nay, Nhi đã tham gia nhiều buổi sinh hoạt về chủ đề XHTD cùng các bạn nhỏ và nhận được sự hào hứng của các bạn. Nhi từng nói chính vì em còn nhỏ, cùng lứa tuổi với các bạn khiến những gì em chia sẻ trở nên gần gũi hơn với các bạn. Điều mà Nhi luôn mong mỏi là em có thể được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều bạn nhỏ ở cả thành phố và miền quê để nói cho các bạn nghe, để các bạn tự bảo vệ được mình khỏi những nguy hiểm. |