Ngày 31-10, BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết vừa bóc tách thành công khối bướu "khủng" mọc trên cơ thể bệnh nhi là một bé gái sơ sinh. Bệnh nhi sinh ngày 6-10-2017 tại BV Từ Dũ và được gia đình chuyển đến BV ba tiếng sau đó.
Theo ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, khi nhập viện, bệnh nhi có một khối bướu "khủng" mọc chèn lên vùng cổ, ngực, lan xuống vùng nách. Kết quả siêu âm và chụp CT cho thấy đây là bướu hỗn hợp giữa bướu bạch huyết và dị dạng tĩnh mạch, ngày càng phát triển.
Bệnh nhi với khối bướu "khủng" trên cơ thể.
Sau một thời gian theo dõi tại BV, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bệnh nhi vào ngày 26-10. Trước thời điểm phẫu thuật, bệnh nhi sốt liên tục 38-39 độ C, da trên bướu nề đỏ, ấn đau. Trong bướu có nhiều nang vách, có nang chứa dịch trong, có nang chứa nhiều mủ đục, thành dày, có nhiều mô viêm, mô hoại tử.
Ngoài ra, bướu còn xen lẫn vào lớp cơ thành ngực, thành bụng, lan đến các khoảng liên sườn, dính vào bó mạch nách, đám rối thần kinh cánh tay rất phức tạp. Bệnh nhi sốt và lượng máu giảm liên tục do chảy máu bên trong bướu và bướu đã bị nhiễm trùng. Một êkíp hội chẩn gồm ngoại tổng hợp, hồi sức gây mê đã nhanh chóng thành lập và dự liệu tình huống xấu nhất trong ca mổ.
Vết mổ bướu của bệnh nhi đã khô, không còn rỉ dịch sau ca mổ.
BS Hiếu kể lại êkíp mổ đã đứng trước nhiều khó khăn trước khi quyết định mổ cho bệnh nhi. Trước hết, khi bóc tách khối u sẽ để lại vết mổ lớn. Bệnh nhi lại quá nhỏ, da đâu mà ghép nếu thiếu da. Lúc đó vết mổ sẽ bị phơi bày tự nhiên, nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Thứ hai, đây là bướu dị dạng mạch máu nên sẽ chảy máu, nếu không khống chế được trên bàn mổ thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Đối với người lớn mất chừng 300-500 cc máu thì không ảnh hưởng nhiều nhưng bé sơ sinh chỉ mất 20-30 cc đã dẫn đến nguy hiểm, gây ngưng tim trong khi bé quá nhỏ và thời gian gây mê lại lâu.
Ngoài ra, bướu lan ra đến vùng nách, nơi có những mạch máu lớn chi phối toàn bộ cảm giác vận động cánh tay trái, đi liền với hệ thống dây thần kinh chằng chịt ở vùng nách. Nếu không tách dây thần kinh được thì tay bệnh nhi sẽ bị liệt.
Bệnh nhi sau khi mổ bướu đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức sơ sinh.
Sau khi cân nhắc, êkíp nhận thấy không thể kéo dài thời gian thêm được nữa. “Bướu quá lớn, bệnh nhi lớn theo không kịp với bướu, cộng thêm tình trạng bướu đã nhiễm trùng rất nặng nên nếu không phẫu thuật ngay, bệnh nhi sẽ không còn cơ hội” - BS Hiếu nhớ lại.
Sau chín tiếng căng thẳng chuẩn bị và bước vào ca mổ, các bác sĩ đã thở phào nhẹ nhõm khi bóc tách được khối u trên cơ thể bệnh nhi, giữ được chức năng nguyên vẹn cho cánh tay trái. Sau mổ, cân nặng bé gái từ 4,5 kg còn 3,2 kg. Hiện bệnh nhi đã cai thở máy sau một ngày, vết mổ khô, da vết mổ hồng hào, khống chế tình trạng nhiễm trùng xuống khá ngoạn mục.
Cũng theo BS Hiếu, bướu của bệnh nhi là dạng bướu "khủng" và hiếm gặp khi mọc ở thành ngực và lan ra vùng nách. Trên thế giới từng ghi nhận 6 ca tương tự, gần nhất là một ca ở Trung Quốc vào năm ngoái.
Chăm sóc cháu tại phòng hồi sức sơ sinh, bà Trần Thị Thảo, bà ngoại bệnh nhi, vui mừng khi cháu gái được các bác sĩ cứu sống và loại khối u "khủng" ra khỏi cơ thể. Bà kể thời gian đang mang thai, mỗi tháng mẹ bệnh nhi đều đi siêu âm. Đến tháng thứ năm thì bác sĩ ở Tiền Giang phát hiện bào thai có hiện tượng lạ nên chuyển lên BV Từ Dũ. Tại đây, sau khi siêu âm, bác sĩ thông báo cho con gái bà biết có u bạch huyết nằm trong thai và hẹn tái khám nhưng không yêu cầu bỏ thai. Đồng thời trấn an thai phụ là có bác sĩ sẽ phẫu thuật được. “Bên ngoại, bên nội đều lo hết ráo vì không biết cái u đó là cái gì, tưởng lớn bằng nắm tay. Không ngờ khối u lại ôm bự dài thân thể nó. Lúc đó chỉ biết khóc chứ không biết làm gì cả” - bà Thảo nhớ lại. |