Chiều ngày 3-7, TS-BS Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết sau thời gian điều trị tích cực vì mắc bệnh bạch hầu, bé trai GAP (13 tuổi, dân tộc Mông, ngụ tỉnh Đắk Nông) đã tử vong.
Trước đó, bệnh nhi được điều trị tại BV ở địa phương sau khi bệnh khởi phát được 3 ngày. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên điều trị tiếp trong tình trạng sốt, ho, đau họng, cổ bạnh, khó thở thanh quản, nhiễm độc, nhiễm trùng nặng. Bé được chẩn đoán mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp kéo dài. Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết trước đây bé chưa được tiêm phòng vắc xin bạch hầu.
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới đã hội chẩn và đề nghị BV Đa khoa vùng Tây Nguyên chuyển bệnh nhi xuống BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ngay trong đêm 25-6, bệnh nhi đã được đặt máy tạo nhịp tim vì biến chứng loạn nhịp tim cùng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim bao gồm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, hỗ trợ hô hấp tích cực, tránh gắng sức, sử dụng các thuốc trợ tim…
Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nơi điều trị cho bệnh nhi bạch hầu bị tử vong. Ảnh: HL
Từ khi nhập viện đến nay, tình trạng bệnh nhi ngày càng chuyển biến xấu, viêm cơ tim nặng hơn, suy tim, men tim tăng gấp 20 – 30 lần so với bình thường. BV đã điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi nhưng bệnh nhi không qua khỏi.
Đây là bệnh nhi thứ hai ở Đắk Nông bị tử vong do bạch hầu. Trước đó, một bệnh nhi 9 tuổi khác cũng bị bạch hầu ác tính gây biến chứng lên tim, suy thận do BV tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Bệnh nhân đã tử vong sau hai giờ nhập viện. Đây cũng là một bé gái người Mông, từ lúc sinh ra không được chích ngừa.
Từ đầu tháng 6-2020 đến nay, trên địa bàn khu vực Tây nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Ngoài Đắk Nông, Kon Tum cũng ghi nhận 8 ca mắc bạch hầu.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu ở một số tỉnh miền Trung Tây Nguyên, ngày 2-7, Bộ Y tế có công điện gửi tới các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước yêu cầu tăng cường công tác phòng chống, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bạch hầu, không để ổ dịch lan rộng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh cần tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các nhân viên y tế để chuẩn bị tiếp nhận các ca bệnh nặng.