Bé trai 3 tuổi suýt chết vì mảnh xương cá sắc lẹm đâm vào vị trí hiểm

Ngày 11-1, BSCK2 Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho biết BV vừa vừa thực hiện hành công ca phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bé trai 3 tuổi bị xương cá đâm vào trong động mạch đốt sống cổ, tạo thành ổ nhiễm trùng nguy hiểm.

Trước đó, bé trai được BV đa khoa Đồng Tháp chuyển đến với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết, áp xe thành sau họng, áp xe thực quản.

Mẹ bé cho biết, trước khi nhập viện 5 ngày, khi đang ăn cơm với cá thì bé nôn ói, khóc kêu đau, gia đình nghi bé hóc xương nên đưa vào bệnh viện địa phương khám thì không thấy xương. Bé được cho về nhà, vẫn ăn uống bình thường nhưng 3 ngày sau bé sốt cao, không ăn uống được, chảy nước bọt nhiều.

Bé trai được các bác sĩ cứu sống. Ảnh: ĐH

Khi chuyển lên BV Nhi đồng 1, bé sốt 39 độ C, sưng đau cổ, không nuốt được, chảy nước bọt nhiều, thành sau họng sung nề đỏ. Bé được cấp cứu giảm đau, hạ sốt kèm kháng sinh đồng thời làm các xét nghiệm nhiễm trùng, đông máu khẩn, siêu âm, chụp CT Scan cổ.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy có ổ tụ mủ ở vùng cổ trái lan đến thành sau họng, đồng thời phát hiện có dị vật xương ngang mức đốt sống cổ, đâm vào trong ống động mạch đốt sống.

Các bác sĩ chẩn đoán bé bị áp xe thành sau họng nghi do dị vật xương cá xuyên qua thành sau họng vào trong ống động mạch gây nhiễm trùng huyết. Ngay lập tức, bé được cho mổ khẩn vì ổ áp xe có nguy cơ vỡ.

BS Như kể lại: “Nếu ổ áp xe vỡ, dịch mủ sẽ tràn vào đường thở, bé có nguy cơ tử vong rất cao. Xương cá đâm vào trong ống động mạch đốt sống có thể đâm thủng động mạch gây chảy máu khó cầm cũng dẫn đến nguy cơ tử vong”.

Ê kíp ca mổ đã rút ra được 30 ml mủ đục, hôi từ ổ áp xe, đồng thời dò tìm và lấy ra được đoạn xương cá sắc nhọn dài 2 cm.

“Trong suốt đời bác sĩ, đây là lần đầu tiên tôi gặp ca hóc xương hi hữu như vậy”, - BS Như chia sẻ và cho biết thông thường các ca hóc xương đều nằm phía trên, rất hiếm khi xương lọt ra phía sau đốt sống cổ như vậy.

Sau ca mổ nội soi, sức khỏe của bé ổn định, bé được nuôi ăn qua ống sone cho đến khi vết mổ lành, đồng thời theo dõi các di chứng có thể xảy ra.

Dị vật xương cá được lấy ra trong họng bé trai. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ cho biết dị vật xương cá nhỏ, mảnh nên rất khó phát hiện. Trường hợp dị vật lọt xuống dưới lưỡi gà sẽ gây nguy hiểm vì dễ di chuyển đến nhiều nơi, tác động vào các mô mềm gây viêm nhiễm, phù nề, bịt kín dị vật rất khó tìm thấy.

Trẻ nhỏ khi bị hóc xương nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay, không tự ý tìm cách lấy xương ra. Hóc xương nếu để lâu dễ gây viêm nhiễm, áp xe, nhiễm trùng máu. 

BSCK2 NGUYỄN TUẤN NHƯ, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới