Tàu cá của ngư dân Bến Tre cập cảng, chuyển hải sản lên cảng cá Ba Tri sau chuyến ra khơi bội thu.

Bến Tre bứt phá phát triển về hướng đông

(PLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam khẳng định: “Phát triển Bến Tre về hướng đông là tất yếu, tạo động lực mới, không gian phát triển toàn diện kinh tế - xã hội”.

Bến Tre là một trong những tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL với chiều dài bờ biển trên 65 km, vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2 và xác định phát triển về hướng đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá của tỉnh.

P4_Ben-Tre_h3_TRAN-NGOC-TAM.jpg

Nhân sự kiện chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tại Bến Tre, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (ảnh), quanh chủ đề này.

Không gian phát triển toàn diện

. Phóng viên: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển tỉnh về hướng đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá để mở ra không gian phát triển mới về hướng biển. Căn cứ vào các trụ cột, thế mạnh nào để tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển về hướng đông, thưa ông?

+ Ông Trần Ngọc Tam: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt trọng tâm phát triển tỉnh về hướng đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá. Đây được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên tiềm năng của địa phương và sự kế thừa những giá trị của lịch sử.

Tỉnh cũng khai thác và phát huy những thế mạnh kinh tế biển của ba huyện biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú... Trong đó, hướng đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, cảng cá, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển, phát triển du lịch biển...

Song song đó, tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ sẽ hình thành thêm một trục giao thông Bắc - Nam kết nối Bến Tre với TP. HCM và các tỉnh, thành lân cận. Với mạng lưới giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ hình thành các trục giao thông kết nối đến khu vực các huyện biển, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, vận tải.

P4_Ben-Tre_h1.jpg
Tàu cá của ngư dân Bến Tre cập cảng, chuyển hải sản lên cảng cá Ba Tri sau chuyến ra khơi bội thu. Ảnh: HỒNG NHUNG

. Để hiện thực hóa định hướng đó, kế hoạch của tỉnh thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian nối tiếp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như thế nào, thưa ông?

+ Tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch với một số nội dung trọng tâm như phát triển một số ngành kinh tế biển chủ lực; trong đó phát triển ít nhất 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ba huyện biển chiếm 30% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030; phát triển điện gió, điện khí hóa lỏng và đầu tư hệ thống lưới truyền tải, trạm biến áp, đến năm 2025 phát triển ít nhất 1.500 MW và đến năm 2030 phát triển 3.000 MW...

Về phát triển kết cấu hạ tầng, giai đoạn 2021-2025, hoàn thành cầu Rạch Miễu 2, đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi bắc - nam Bến Tre, xây dựng các tuyến đường giao thông kết hợp hệ thống đê bao ngăn mặn kết nối các huyện biển…

Mạng lưới giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ hình thành các trục giao thông kết nối đến khu vực các huyện biển, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, vận tải.

Tăng cường liên kết vùng ĐBSCL và TP.HCM

. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng điểm các nhiệm vụ giải pháp và các chương trình, dự án đầu tư nào để huy động nguồn lực nhằm đạt mục tiêu, thưa ông?

+ Tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; tạo đột phá một số ngành kinh tế biển như năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp, đô thị ven biển; phát triển thương mại dịch vụ…

P4_Ben-Tre_h2.jpg
Phát triển về hướng đông, một trong các trụ cột của Bến Tre là kinh tế thủy sản, làm giàu từ biển. Ảnh: VPCT

Bến Tre sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng tập trung gần các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung; tăng cường hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư các dự án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu lấn biển...

Xác định giao thông mở mũi cho phát triển giai đoạn 2026-2030, Bến Tre nâng cấp các quốc lộ 57B, 60, đầu tư hoàn chỉnh các dự án khu phức hợp ven biển; đường dây 500 kV Bến Tre - Long An; hoàn chỉnh đầu tư tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với hai tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh.

. Trong bối cảnh hiện nay, các địa phương không thể “đi một mình” , vậy câu chuyện liên kết vùng, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP.HCM đã và đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

+ Thời gian qua, tỉnh đã chủ động, đẩy mạnh liên kết phát triển với các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía đông ĐBSCL, tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL và TP.HCM trên các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội… nhằm phát huy nội lực, lợi thế sẵn có của các địa phương và vươn lên phát triển cùng với các tỉnh trong khu vực.

Sắp tới, Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp với Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long để nghiên cứu, đề xuất, triển khai các dự án tuyến động lực ven biển, cầu vượt sông Tiền, cầu Đình Khao…

Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bến Tre bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tạo sự bứt phá vươn lên.

. Xin cảm ơn ông.

Qua ba năm triển khai phát triển về hướng đông, Bến Tre đã có những kết quả ấn tượng ban đầu.

Với kinh tế thủy sản, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 3.056 ha, đạt 76,4% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Giá trị sản xuất ngành chế biến thủy sản tăng từ 4.200 tỉ đồng năm 2021 lên 5.000 tỉ đồng vào năm 2023 và kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng từ 64,7 triệu USD vào năm 2021 lên 90 triệu USD vào năm 2023.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản lũy kế đạt 180.543 tấn, giữ vững khai thác ổn định khoảng 200.000 tấn/năm.

Hiện có 9/19 dự án điện gió đã triển khai thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 365,9 MW.

Tỉnh đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất hydro xanh, với tổng diện tích khoảng 22,7 ha, vốn đầu tư 19.500 tỉ đồng.

Đọc thêm