Bến Tre kỳ vọng đột phá từ tuyến giao thông động lực ven biển

(PLO)- Tuyến đường bộ ven biển Bến Tre có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, trả lời phỏng vấn Báo Pháp Luật TP HCM, ông Trần Ngọc Tam- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn tỉnh Bến Tre.

Đây là tuyến đường có vai trò rất quan trọng cho tỉnh trong phát triển kinh tế ven biển theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bến Tre, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; phát triển các đô thị và du lịch biển…

duongvenbien1.gif
Tuyến đường tại khu vực cảng cá Ba Tri, thuộc thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo ông Tam, tuyến đường bộ ven biển kết nối TP. HCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng được đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành thêm một trục giao thông Bắc - Nam kết nối Bến Tre với TP. HCM và các tỉnh, thành lân cận.

Và với mạng lưới giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ hình thành các trục giao thông kết nối đến khu vực các huyện biển, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và vận tải.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, sẽ đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh và giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn chỉnh đầu tư tuyến đường bộ ven biển này.

Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre đã có tờ trình gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính về việc đề xuất xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh.

Theo đó tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài khoảng 25,2 km đi qua địa bàn 3 huyện ven biển của tỉnh. Dự án này tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.905 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư từ khoản vay hỗ trợ bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (Chương trình DPO) và ngân sách tỉnh đối ứng.

Ngoài ra trên tuyến còn có 3 cầu chính gồm: cầu Cửa Đại (nối Bến Tre với tỉnh Tiền Giang); cầu Cổ Chiên (nối tỉnh Bến Tre với Trà Vinh) và cầu Ba Lai 8 (nối huyện Bình Đại và Ba Tri của tỉnh Bến Tre). Các cầu này được tách thành 3 dự án riêng được đề xuất bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.

duongvenbien3.gif
Vùng ven biển của tỉnh Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hiện tỉnh đang chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục có liên quan để khởi công một số hạng mục trên tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh.

Với Bến Tre, tuyến đường bộ ven biển khi hình thành đóng vai trò rất quan trọng cho tỉnh trong phát triển kinh tế ven biển, phát triển hệ thống cảng và giao thông vận tải đường biển, gắn kết với các cảng biển của vùng. Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; phát triển các đô thị và du lịch biển…

“Thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp với Tiền Giang để triển khai đầu tư tuyến động lực ven biển, nhất là xác định vị trí đấu nối; giải phóng mặt bằng để sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu vượt sông Tiền. Với Trà Vinh, tỉnh sẽ phối hợp để xác định vị trí đấu nối tuyến động lực ven biển giữa, để xuất Trung ương ưu tiên bổ sung nguồn vốn để sớm đầu tư đoạn tuyến này”- Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh có tổng chiều dài dự kiến khoảng 53km. Dự án đi qua các con sông lớn gồm: sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên tạo nên tuyến vành đai kinh tế ven biển quan trọng của tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 tại quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021.

Tuyến đường ven biển này khi hình thành sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng liên vùng, tăng cường khả năng vận chuyển, lưu thông hàng hóa khu vực ven biển, mở ra cơ hội hội nhập về kinh tế trong khu vực ĐBSCL và ĐBSCL với cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm