Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư, cho biết quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 129 ngày 18-1-2010 và được điều chỉnh cục bộ hướng tuyến tại Văn bản 2409 ngày 31-12-2015.
Theo đó, tuyến hình thành trên cơ sở tận dụng các tuyến đường hiện có (không phải trục dọc quốc gia), kết hợp đầu tư xây dựng mới, chưa liên tục tại các cửa sông lớn và quy mô không đồng nhất trên toàn tuyến.
Người đứng đầu ngành giao thông lưu ý không được đầu tư BOT các đoạn đường độc đạo.
Tuyến đường bộ ven biển bắt đầu từ Quảng Ninh tới Kiên Giang, đi qua địa phận 28 tỉnh, thành với tổng chiều dài 3.041 km. Về quy mô, vùng ven biển miền Bắc (từ Quảng Ninh tới Ninh Bình), Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa tới Quảng Trị), miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế tới Bình Định) quy mô đường cấp III; vùng Nam Trung bộ (từ Phú Yên tới Bình Thuận), Đông Nam bộ (từ Vũng Tàu tới TP.HCM), vùng Tây Nam bộ (từ Tiền Giang tới Kiên Giang) quy mô đường cấp IV.
Tuyến đường được phân kỳ đầu tư, giai đoạn đến năm 2020 xây dựng mới, nâng cấp cải tạo 892 km; giai đoạn sau năm 2020 xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 1.058 km.
Hiện tại, phần do Bộ GTVT đầu tư theo phân công nhiệm vụ đã hoàn thành khoảng 80,73% khối lượng yêu cầu, còn lại đã và đang chuẩn bị thi công. Tiến độ triển khai các đoạn tuyến đường ven biển theo quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng được mục tiêu thông tuyến đường ven biển trước năm 2020 như quy hoạch được duyệt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu TEDI và các cơ quan liên quan phải rà soát, cập nhật lại quy hoạch để đảm bảo tuyến đường bộ ven biển sát với thực tế. Nhưng trước mắt, ông Thể yêu cầu cập nhật quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn Hải Phòng - Móng Cái, tiếp đến là đoạn Hải Phòng - Thái Bình và các đoạn tuyến thuộc các tỉnh còn lại.
Bên cạnh đó, dẫn quy định Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đầu tư, khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT, người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai phải đặc biệt lưu ý: “Đoạn nào tận dụng được đường cũ là phải tận dụng, muốn nâng cấp, mở rộng để đảm bảo quy mô phải đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước. Đầu tư bằng BOT chỉ áp dụng trên những đoạn tuyến làm mới hoàn toàn, dứt khoát không được làm BOT trên đường hiện hữu”.