Bến Tre: KCN Giao Long 10 năm nay cứ mưa là ngập

(PLO)- Hơn 10 năm hoạt động, KCN Giao Long ở Bến Tre vẫn không khắc phục được tình trạng ngập nước mỗi khi trời mưa to.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-6, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hơn 220 công nhân, lao động (CNLĐ) tại các Khu công nghiệp (KCN) và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mùa mưa KCN Giao Long thường xảy ra ngập

Tại buổi đối thoại vấn đề được nhiều CNLĐ quan tâm phản ánh với lãnh đạo tỉnh đó là tình trạng ngập nước tại KCN Giao Long 10 năm nay.

Công nhân phản ánh ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Công nhân phản ánh ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Anh Phan Minh Truyên, công nhân Công ty FASV (KCN Giao Long) bày tỏ băn khoăn, vào mùa mưa KCN Giao Long bị ngập trầm trọng không thấy đường chạy xe, xe bị ngập nước, chết máy phải dẫn bộ.

“10 năm nay, năm nào công nhân cũng có phản ánh, báo cáo lên các cấp nhưng vẫn chưa có cách khắc phục hiệu quả” – Anh Truyên nói.

Giải đáp vấn đề này, ông Lê Văn Nhiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bến Tre cho biết, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã nhiều lần phản ánh tình trạng ngập nước tại KCN Giao Long đến lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng đã có chỉ đạo Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh đầu tư tuyến đường kết hợp hệ thống thoát nước cho KCN Giao Long ra sông Tiền. Hiện đang được chuẩn bị lập dự án để triển khai.

Tình trạng ngập nước tại KCN Giao Long mỗi khi trời mưa to. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tình trạng ngập nước tại KCN Giao Long mỗi khi trời mưa to. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo ông Nhiên, KCN Giao Long nhiều năm nay trời mưa thường xảy ra ngập nước, đáng lo ngại là mưa kéo dài khoảng 30 phút thì Ban quản lý hạ tầng KCN phải bơm 6 giờ đồng hồ nước mới cạn được. Để xử lý tình trạng ngập nước KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã có kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm ưu tiên nguồn kinh phí để hỗ trợ cho KCN đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.

Công nhân lo lắng mắc bẫy tín dụng đen

Lo lắng trước thực trạng tín dụng đen đã tác động lớn về tâm lý, tinh thần của CNLĐ, phản ánh vấn đề này chị Ngô Thị Đậm, công nhân Công ty TNHH May Mặc Cây Dừa nêu ý kiến: “Để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng công nhân lao động mắc bẫy tín dụng đen, giúp công nhân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp, cho tôi xin thông tin về các chính sách hỗ trợ tín dụng cho CNLĐ”.

Công nhân lao động phản ánh ý kiến đến với lãnh đạo tỉnh tại buổi đối thoại. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Công nhân lao động phản ánh ý kiến đến với lãnh đạo tỉnh tại buổi đối thoại. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trả lời vấn đề này, Đại tá Lê Văn Hòa, Phó giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho biết, hoạt động tín dụng đen thời gian gần đây diễn ra phức tạp không chỉ trong các KCN mà còn lan rộng ra ngoài xã hội mức độ, tính chất ngày càng tinh vi lợi.

Cụ thể, những người người hoạt động tín dụng đen thường lợi dụng qua nhiều kênh, nhiều cách để tiếp cận người vay tiền, chẳng hạn như quảng cáo, mời gọi cho vay tiền qua mạng xã hội, các ứng dụng trên phần mềm điện thoại, với thủ tục vay dễ dàng, nhanh có tiền không cần thế chấp, vì vậy một số công nhân đã vướng vào “bẫy” của tín dụng đen.

Đại tá Lê Văn Hòa còn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, công an tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng chức năng đấu tranh nạn tín dụng đen và xác định có 70 trường hợp công nhân KCN Giao Long và An Hiệp có liên quan đến vay tiền tín dụng đen qua các phần mềm điện thoại hoặc vay trực tiếp bên ngoài.

Qua đó công an đã phát hiện có 9 số thuê bao gọi điện đe dọa, đòi nợ công nhân hoặc quản lý doanh nghiệp. Hiện nay công an tỉnh đang tiến hành điều tra, củng cố hồ sơ khi nào đủ hồ sơ tài liệu, chứng cứ sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi mời gọi quảng cáo cho vay tín dụng đen.

Tại buổi đối thoại CNLĐ còn phản ánh nhiều vấn đề như: CNLĐ tại các KCN chưa có các khu vui chơi, thể dục thể thao phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe, tinh thần cho người lao động sau giờ làm việc căng thẳng, vất vả. Ngoài ra, công nhân còn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, chế độ tiền lương, khám chữa bệnh, độ tuổi nghỉ hưu, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo chỉ đạo bộ phận chuyên môn xem xét giải trình, giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của CNLĐ.

Ông cũng đề nghị LĐLĐ tỉnh nghiên cứu các giải pháp để đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại KCN Phú Thuận, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, để tạo điều kiện CNLĐ có nơi ở, gửi trẻ và vui chơi giải trí nhằm tái tạo sức lao động, để phục vụ tốt cho sản xuất.

Liên quan đến hoạt động tín dụng đen đang là nỗi bức xúc của nhiều CNLĐ, để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị: ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp và người dân trong đó có CNLĐ, góp phần xóa tín dụng đen trên địa bàn.

Đối với LĐLĐ tỉnh tiếp tục ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ với các đối tác và rà soát nhu cầu, tình hình “tín dụng đen” trong người lao động trên địa bàn để triển khai các gói tín dụng đến đoàn viên và người lao động từng bước đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trong các KCN, khu nhà trọ công nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm